Xuất khẩu thủy sản khởi sắc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trừ nhuyễn thể có vỏ, xuất khẩu (XK) các sản phẩm chính trong tháng 11/2023 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái: Tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%.
Kim ngạch tháng 11 tăng
Theo báo cáo của VASEP, 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam ước đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 11, XK tăng 6% so với tháng 11 năm ngoái, đạt gần 840 triệu USD.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, XK cá tra đang có tín hiệu khả quan ở thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Sản phẩm bong bóng cá tra khô mang lại kim ngạch trên 72 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2022. Nhiều thị trường tăng nhập khẩu bong bóng cá tra Việt Nam trong đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 80% với giá trị hơn 57 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ 2022.
Các thị trường khác như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ cũng tăng nhu cầu đối với sản phẩm này. Ngoài ra, chả cá tra, cá tra xông khói, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên cũng có doanh số xuất khẩu tăng 50-300% so với năm ngoái.
Báo cáo tại Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC) nhận định: Năm 2023 được coi là kỉ lục đối với ngành cá tra toàn cầu. Ước tính tổng sản lượng cá tra toàn cầu năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn năm 2022.
Dự kiến, năm 2024 sản lượng cá tra toàn cầu đạt khoảng 3,2 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Việt Nam đóng vai trò chủ chốt khi sản lượng cá tra năm 2023 chiếm 52% toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi sản lượng và xuất khẩu cá tra với mức tăng trưởng dự kiến 3%.
Bà Hằng cho rằng, hiện XK tôm bị chi phối bởi sự cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới dư thừa, giá hạ. XK sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ như Hong Kong và Thụy Sỹ tăng 5%, Đài Loan tăng 19%. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Giá sẽ tăng trong giai đoạn này khi tổng sản lượng thấp theo mùa.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo bà Lê Hằng, mặc dù, kim ngạch XK thủy sản tháng 11 tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây chưa phải là tín hiệu phục hồi thị trường bởi không có sự đột phá về doanh số so với những tháng trước. Trên thực tế, 2 tháng cuối năm 2022 là giai đoạn XK thủy sản lao dốc xuống mức thấp nhất của năm. Bên cạnh đó, bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm thủy sản bình dân, trong khi phân khúc thủy sản cao cấp giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Với những diễn biến trên, theo VASEP, XK thủy sản cả năm 2023 ước tính đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái, cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%, cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%; XK mực, bạch tuộc ước đạt 660 triệu USD, giảm 14%.
Theo bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bức tranh XK của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị phần, vì trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển.
Để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, bà Oanh cho rằng cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển XK theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là vấn đề cơ bản, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, các thị trường nhập khẩu luôn luôn có những yêu cầu mới đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu và chúng ta không còn cách nào khác là phải đáp ứng các yêu cầu với tâm thế chủ động. Đơn cử như thị trường Trung Đông, Châu Phi, đây là hai thị trường có nhu cầu lớn đối với thủy sản, nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang các thị trường này không dễ. Mặc dù các quy định SPS của hai khu vực này ít có sự thay đổi song không phải dễ đáp ứng vì sản phẩm nông sản thực phẩm xuất khẩu phải có chứng chỉ Halal. Do vậy chúng ta phải chủ động để thích ứng. Khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng.