Tuyên Quang: Yên Sơn chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững
Với lợi thế về đất rừng sản xuất, cùng định hướng phát triển cây lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sâu; coi đây là đòn bẩy kinh tế trọng tâm, chủ lực; huyện Yên Sơn đã và đang tạo đà giúp người dân địa phương gặt hái nhiều thành quả từ kinh tế vườn rừng, tạo thu nhập ổn định, bền vững.
Huyện Yên Sơn hiện có trên 66 nghìn ha đất rừng sản xuất. Những năm qua, việc phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu cho người dân về kinh tế rừng. Cùng với đó, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng được người dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Gia đình ông Vũ Mạnh Hùng, thôn 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn là một trong những hộ tiên phong trong phong trào trồng rừng của xã. Từ năm 2003, ông Hùng đã nhận khoán trồng 5 ha rừng.
Nhận thấy hiệu quả của kinh tế lâm nghiệp, mỗi năm ông đầu tư mua, thuê hoặc liên kết trồng thêm rừng. Đến nay, gia đình ông Hùng có trên 30 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 5 ha đã cho thu hoạch chu kỳ 1, trừ chi phí cho thu về trên 250 triệu đồng.
Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Yên Sơn cho biết, xã có trên 1.950 ha đất rừng sản xuất, hàng năm doanh thu từ rừng đạt trên 50 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng thu nhập của toàn xã.
Nhiều hộ kết hợp trồng rừng với phát triển kinh tế trang trại, lấy ngắn nuôi dài, cho hiệu quả kinh tế cao. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, bà con phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) thông qua các hội nghị, buổi họp thôn, phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát các vị trí, khu vực xung yếu dễ xảy ra cháy rừng và xâm hại rừng.
Từ hình thức sản xuất manh mún nhỏ lẻ, anh Vũ Đình Chanh ở thôn Trung Tâm, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn đã đứng ra thành lập hợp tác xã Dịch vụ - Sản xuất nông nghiệp Toàn Thịnh với sự tham gia của 7 thành viên.
Hợp tác xã hiện có trên 50 ha rừng và liên tục mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả cho nhiều người dân.
Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, các bên cùng có lợi, giúp nông dân có đầu ra cho sản phẩm, hiện tại hợp tác xã đã tạo việc làm cho 20 lao động, trong đó có 15 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Quang Đảm - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết, địa phương có thế mạnh về lâm nghiệp. Phát huy lợi thế đó, UBND xã đã khuyến khích người dân thành lập các mô hình trồng rừng theo chuỗi giá trị, nâng cao diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC; trồng rừng giống chất lượng cao, để tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai, giúp cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm rừng trồng, tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến nay trên địa bàn xã có trên 3.600 ha rừng sản xuất, trên 1.700 ha rừng đạt chứng nhận FSC; ba năm gần đây trồng mới được gần 100 ha rừng bằng giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh.
Nhờ thực hiện tốt các quy định về đất đai và công tác tuyên truyền về lợi ích kinh tế từ trồng rừng đến người dân, nên diện tích trồng rừng ở xã Tiến Bộ năm sau luôn cao hơn năm trước. Qua đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Huyện Yên Sơn chủ yếu tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp từ lợi thế về đất rừng, nhờ vậy mà đời sống người dân nơi đây đã có những thay đổi đáng kể; người dân nhận thức được công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng để làm giàu từ rừng. Các hộ gia đình thể hiện bằng những việc cụ thể như: ký cam kết quản lý bảo vệ rừng, tự giác tham ra vào các tổ đội PCCC rừng.
Anh Lương Văn Ngàn, thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn cho biết, gia đình hiện có hơn 1 ha rừng trồng chủ yếu là cây keo lai đã gần đến tuổi khai thác. Công tác vệ sinh rừng trước mùa khô hanh đã được gia đình nghiêm túc thực hiện đúng quy trình như: phát đường ranh cản lửa, chuẩn bị các dụng cụ như dao phát, vỉa dập lửa, công tác tuần tra được thực hiện thường xuyên.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện đã phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất nông nghiệp; phối hợp với chính quyền cấp xã tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR cho các hộ gia đình ký cam kết quản lý bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, rà soát điều chỉnh bổ sung phương án PCCCR phù hợp với thực tế; củng cố kiện toàn các tổ, đội kịp thời thông tin cảnh báo dự báo nguy cơ cháy rừng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn lực lượng bảo vệ rừng và các chủ rừng; vận động toàn dân tích cực trồng rừng gắn tham ra quản lý bảo vệ rừng và PCCCR.
Hàng năm, Hạt kiểm lâm huyện phối kết hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức các cuộc diễn tập PCCCR nhằm góp phần xử lý tình huống, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất khi cháy rừng xảy ra. Nhờ có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành, tình hình vi phạm trên địa bàn huyện đã giảm hơn nhiều so với những năm trước.
Để phát triển rừng bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì ý thức trách nhiệm của mỗi người dân là hết sức quan trọng. Nhận định được tầm quan trọng của kinh tế rừng, huyện Yên Sơn đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bền vững diện tích rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng.
Cùng đó, khai thác tối đa giá trị từ rừng thông qua việc phát triển nông lâm kết hợp, trồng xen cây dược liệu có giá trị cao; biến rừng thành nền tảng để thúc đẩy kinh tế toàn dân, toàn xã hội phát triển bền vững.