Giáo dục Thanh Hóa: Một năm nhiều dấu ấn
Giáo dục - Ngày đăng : 09:51, 05/12/2023
Điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 6 bậc; có thủ khoa khối B cả nước; có Huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế; lần đầu tiên có thí sinh vô địch Đường lên đỉnh Olympia và đặc biệt nhất là xét đặc cách cho cô giáo không tay, đứng trên bục…, đó là những dấu ẩn nổi bật nhất mà ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong năm 2023.
Từ đầu năm 2023, hình ảnh về cô giáo không tay Lê Thị Thắm (25 tuổi, trú thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) đã liên tục được các cơ quan báo chí khai thác tại Thanh Hóa, trở thành một hiện tượng gây bão trên mạng xã hội bởi nghị lực phi thường và những cống hiến to lớn cho cộng đồng xã hội.
Từ khi chào đời, cô Thắm chỉ nặng hơn 1 kg và không có hai tay. Hoàn cảnh gia đình vất vả, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, nay con cái lại gặp khiếm khuyết về cơ thể buộc mẹ cô phải lựa chọn, nghỉ việc ở nhà để chăm con. Trước sự nghiệt ngã của số phận, cô Thắm không đầu hàng mà quyết chí vươn lên, xin mẹ đi học và lấy bút kẹp vào ngón chân trái để tập viết.
Nhờ sự kiên trì, cố gắng của bản thân và nhờ sự trợ giúp, động viên của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè ở trường, cô Thắm lần lượt bước qua 12 năm học phổ thông và 4 năm Đại học, tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh vào năm 2020. Trở về nhà và có sẵn kiến thức cơ bản, cô tổ chức dạy, bổ trợ tiếng Anh miễn phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn ở gần nhà. Hình ảnh cô giáo nhỏ, chỉ cao 1,4m với đôi chân thoan thoắt ấn máy tính, đứng trên tấm bảng dạy tại nhà đã được báo chí ghi lại, truyền tải rõ nét và lấy đi nhiều nước mắt của bạn đọc.
Trước nỗ lực phi thường và hành trình sống đẹp của mình, trong lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vào ngày 11/6, cô Thắm vinh dự là một trong những gương điển hình tiên tiến về học tập Bác tại Thanh Hóa. Tại đây, cô Thắm đã chia sẻ lại hành trình của bản thân, đồng thời bày tỏ nguyện vọng muốn được đứng trên bục giảng 1 lần với tư cách là giáo viên. Sau sự kiện này, cô Thắm được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng đặc cách làm việc tại Trường tiểu học - THCS Đông Thịnh.
Sau hành trình gây bão mạng của cô Thắm, tại Thanh Hóa lại xuất hiện một cá nhân nổi bật, em Lê Xuân Mạnh - học sinh THPT Hàm Rồng, quán quân chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23. Lần đầu tiên, xứ Thanh có thí sinh vô địch tại chương trình này nên khi kết quả được công bố, cả vùng đất với gần 4 triệu người vỡ òa trong sung sướng.
Ngay sau đó, những hình ảnh, video về quán quân Olympia được đăng tải trên mạng đã thu hút hàng triệu lượt view, hàng trăm nghìn bình luận và hàng chục nghìn lượt chia sẻ trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Youtube… Từ sự lan tỏa tích cực này, một phong trào thi đua học tập diễn ra sôi nổi hơn ở các trường học tại xứ Thanh.
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hoá đã triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông GDPT 2018 đối với các cấp. Cụ thể, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã có 1.691/1.988 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó Mầm non là 574/678 trường; Tiểu học 544/595 trường; THCS 522/615 trường; THPT 51/100 trường. Trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã cử 325 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo và bồi dưỡng theo kế hoạch của UBND tỉnh và các cơ sở đào tạo; tổ chức bồi dưỡng đại trà cho hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên..., được Bộ GDĐT đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác này.
Thực hiện Đề án “Sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, đến nay toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm được 31 trường học các cấp. Ngoài ra, toàn tỉnh còn giảm hàng chục điểm trường lẻ để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa giáo dục miền núi so với miền xuôi. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của tỉnh Thanh Hóa đã đạt 89%.
Ở bậc học mầm non, số trẻ đến trường đạt tỷ lệ 69,9%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%; học sinh xếp loại đạt trở lên về phẩm chất chiếm trên 99%, học sinh xếp loại đạt về năng lực chiếm trên 99%. Ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm/rèn luyện loại tốt chiếm 88,27%; tỷ lệ xếp loại học lực/học tập loại giỏi/tốt đạt 17,58%. Ở cấp THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thanh Hóa xếp thứ 21 trong top các tỉnh có điểm thi cao nhất, là tỉnh có 935 điểm 10, nhiều thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và có 1 học sinh thủ khoa khối B00.
Cùng với chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa có 78 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đạt 61 giải, đạt tỷ lệ 78,21%, xếp thứ 6 toàn quốc. Với thành tích này, Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh có tổng số học sinh đạt giải cao nhất toàn quốc (từ 50 giải trở lên).
Năm học này, Thanh Hóa có 1 học sinh đoạt HCB Olympic quốc tế môn Vật lý lần thứ 53 tại Nhật Bản là em Lê Viết Hoàng Anh, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Thành tích của Hoàng Anh đã được đã góp phần đưa đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi trên đấu trường trí tuệ quốc tế với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Ngoài những kết quả đạt được, năm học vừa qua, ngành Giáo dục Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn, trong đó, nan giải nhất là tình trạng thiếu hơn 16.000 giáo viên theo quy định của Bộ GDĐT và 74 xã ra khỏi vùng khó khăn gây khó cho giáo viên và học sinh.
Theo tìm hiểu, đến nay, toàn tỉnh có hơn 54 nghìn cán bộ quản lý và giáo viên. Đội ngũ này phát triển qua từng năm, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GDĐT thì tỉnh Thanh Hóa hiện đang thiếu hơn 16.000 giáo viên theo quy định. Còn nếu tính theo định mức quy định của UBND tỉnh thì thiếu hơn 8.900 giáo viên, tập trung chủ yếu ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS.TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Việc Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GDĐT, trong khi hằng năm, tỉnh vẫn phải cắt giảm biên chế. Nhiều năm qua, tỉnh cũng không tuyển dụng mới để bổ sung cho số giáo viên đã nghỉ hưu.
Theo PGS.TS Trần Văn Thức, giải pháp để chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên là phải kịp thời tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao; hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường và số giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề; bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết để trước mắt đảm bảo nhu cầu dạy và học; tiến hành sắp xếp lại các cơ sở giáo dục cho tinh gọn. Song song với đó, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung hơn 16.600 biên chế cho ngành giáo dục.
Đối với vấn đề 74 xã ở khu vực miền núi ra khỏi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hoá cho rằng, việc này sẽ dẫn đến tình trạng học sinh không được hỗ trợ hàng tháng tiền ăn, tiền nhà ở, và cấp gạo; giáo viên không được hưởng chế độ thu hút 70% mức lương và các cơ chế chính sách khác. Trong khi điều kiện kinh tế xã hội của 74 xã này so với trước khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn chưa có thay đổi là bao.
Về giải pháp, PGS.TS Trần Văn Thức nhấn mạnh: Vấn đề này, Thủ tướng đã có Quyết định 378, ngày 3/4/2023 và đã giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành về xây dựng chính sách hỗ trợ cho vùng miền núi. Vì thế, tỉnh đang chờ chính sách chung của Trung ương.