Tọa đàm 'Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số'
Ngày 5/12, CLB Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức Tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số". Mục tiêu của sự kiện là để lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G, cũng như tác động của việc này tới người dùng, thị trường viễn thông trong nước.
Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Nguyễn Việt Phú cho biết: "Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số”. với mục tiêu để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G. Để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, thì hoạt động truyền thông rất quan trọng".
Theo ông Phú, các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân. Và hôm nay CLB Nhà báo ICT bắt đầu đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp để thúc đẩy câu chuyện đó.
Được biết, Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến người dân Việt Nam.
Đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Một số người cho rằng, tắt sóng 2G sẽ làm đời sống "đảo lộn", liên lạc bị ngưng trệ. Tuy nhiên, kinh nghiệm tại những quốc gia phát triển cho thấy, khi 100% người dân sử dụng smartphone, những dịch vụ số sẽ được thúc đẩy phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Điều này giúp chính người dân được hưởng lợi nhờ cuộc sống trở nên thuận tiện, đồng thời thúc đẩy cơ hội trải nghiệm những dịch vụ mới, công nghệ cao.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra. Cụ thể từ ngày 1/7/2021, "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất" chính thức có hiệu lực bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Bên cạnh đó, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng để triển khai mạng 2G cũng sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Do đó, việc tắt sóng 2G là một lộ trình không thể đảo ngược.
Tại thời điểm hiện nay, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng lớn tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ thấp. Bên cạnh đó là quy hoạch lại các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only…
Ngoài việc ưu đãi cho khách hàng cước data, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại "cục gạch" 4G giá rẻ, chỉ dùng cho dịch vụ thoại và nhắn tin, nhằm phục vụ cho một lớp khách hàng có nhu cầu này.
Bộ TT&TT cũng tính đến phương án quyết liệt hơn là sẽ khóa, không để cho các dòng máy 2G gia nhập mạng mới mà chỉ duy trì những điện thoại 2G hiện đang sử dụng trên hệ thống.
Như vậy, sẽ ngăn chặn được dòng điện thoại "cục gạch" nhập lậu tràn vào Việt Nam làm ảnh hướng đến lộ trình tắt sóng 2G. Đây cũng là biện pháp đưa nhanh người dân lên môi trường số.
Để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân.
Bên cạnh đó là rà soát, nắm bắt những khu vực có tỷ lệ người dùng sóng 2G thấp, rồi triển khai các công tác chuẩn bị để xây dựng các trạm phát sóng 5G, mở rộng độ phủ sóng 4G tại địa phương.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) cho biết: "Đến nay Bộ đã có nhiều giải pháp, chủ trương dừng mạng 2G. Các đơn vị của Bộ đã có đề xuất từ năm 2016, thời điểm chúng ta cấp phép công nghệ 4G, thời hạn đến năm 2024. Đây là thời điểm các nhà mạng định hướng, xem xét cấp lại thuê bao, đồng thời chuyển đổi số và công nghệ. Về mặt thực thi, các nhà mạng đã có kế hoạch dừng 2G của mình và thử nghiệm công nghệ mới - 5G".
Theo ông Nhã, một nhà mạng không thể tồn tại đồng thời công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G. Điều này giảm thiểu những khó khăn cho các thiết bị phát sóng, đây là chủ trương đúng đắn của Bộ TT-TT, được các doanh nghiệp, nhà mạng ủng hộ.
"Đến năm 2030, định hướng của Bộ TT-TT sẽ bắt đầu công nghệ 6G. Vì vậy, các điện thoại công nghệ 2G sẽ không còn được sử dụng, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường", ông Nhã thông tin.
Tắt sóng 2G được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.