Để đại học tư thục phát triển đúng hướng
Hiện cả nước có 67 trường đại học tư thục, chiếm 27,6% tổng số trường đại học trên cả nước. Chính sách xã hội hóa giáo dục đã bước đầu đem lại hiệu quả song cũng đặt ra không ít thách thức.
Thống kê năm 2022 cho thấy, trong 9 trường ĐH có doanh thu nghìn tỷ có 4 trường tư thục. Trường ĐH Văn Lang có tổng thu lớn nhất khối ĐH với 1.758 tỷ đồng, đứng thứ hai là Trường ĐH Kinh tế TP HCM (hơn 1.443 tỷ đồng).
Doanh thu nghìn tỷ và gánh nặng học phí
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng thu 1.162,4 tỷ đồng, trong đó 1.141 tỷ đồng từ học phí. Trường ĐH FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng. Trường ĐH Công nghệ TPHCM thu 1.145 tỷ đồng. Trường ĐH Hoa Sen 918 tỷ đồng, trong đó thu học phí là 680 tỷ đồng; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có tổng thu 886 tỷ, trong đó thu học phí 822 tỷ đồng…
Hiện nay doanh thu của các trường ĐH đến từ 4 nguồn: ngân sách, học phí và lệ phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân).
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại hội thảo quốc gia “Tự chủ ĐH trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH” tổ chức tháng 4/2023 cho thấy, nguồn thu của các trường ĐH công lập chủ yếu là từ ngân sách và học phí. Với hệ thống các trường ĐH tư thục, nguồn thu chính (gần 100%) dựa hoàn toàn vào học phí. Điều này phần nào được phản ánh qua thống kê về tỷ lệ nguồn thu từ học phí trong tổng thu của các trường kể trên.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam, khi tổng thu cao, các trường dành ra một phần phát triển đội ngũ, hạ tầng và cơ sở vật chất, tăng thu nhập giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu “là điều rất đáng hoan nghênh”. Tuy nhiên, nếu doanh thu cao nhưng phụ thuộc hầu hết vào học phí và nhờ tăng học phí liên tục lại là dấu hiệu xấu. Bởi khi đó, gánh nặng sẽ dồn lên vai người học. Trường mở ngành đào tạo tràn lan, tuyển sinh vượt chỉ tiêu và thu học phí cao theo từng năm khiến người học “theo không được, bỏ không xong”.
Người học chật vật
Học phí của các trường ĐH tư thục qua từng năm có điểm chung là tăng đều qua từng năm. Trường ĐH Văn Lang thu học phí hệ đào tạo tiêu chuẩn (hệ đại trà) năm học 2023-2024 từ 22 đến 32 triệu đồng/học kỳ; chương trình đặc biệt 40-60 triệu đồng/kỳ; riêng ngành Răng- Hàm- Mặt có mức học phí 80-90 triệu đồng/học kỳ. Năm 2022, học phí chương trình đào tạo tiêu chuẩn của trường dao động trong khoảng 20-27 triệu đồng/học kỳ, tùy ngành học và năm học 2020 là 15-20 triệu đồng/học kỳ.
Không chỉ tăng thu học phí, các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã công khai và đăng ký trong đề án tuyển sinh. Năm 2022, Bộ GDĐT xử lý nhiều trường, như Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa không đúng đề án đã công khai; Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng tuyển vượt chỉ tiêu…
Trong khi đó, tại các trường ĐH công lập chưa tự chủ, học phí thường được tính 50% từ người học và 50% còn lại là từ ngân sách nhà nước. Dù rất khó khăn nhưng 3 năm liên tiếp nhiều trường ĐH công lập thông báo không tăng học phí. Trong khi đó, các trường ĐH tư thục trong bối cảnh tất cả chi phí đều tăng, học phí lại là nguồn thu chính nên khó có thể giữ học phí “giậm chân tại chỗ” nếu muốn giữ chân và thu hút đội ngũ giảng viên, giáo viên. Những trường còn đang thuê cơ sở vật chất, chi phí đầu vào tăng cao nên không ai khác ngoài người học phải gánh những khoản này.
Chị Mai Thanh Duy, phụ huynh có con đang học ngành Răng - Hàm - Mặt một trường ĐH tư thục cho biết, năm 2022, gia đình nộp 95 triệu đồng/học kỳ đối với chương trình tiếng Việt, sau khi trừ học bổng và phí ưu đãi nhập học sớm được giảm 10 triệu đồng trên tổng số 105 triệu đồng theo quy định. Tuy nhiên, năm học này, nhà trường tăng học phí 10% và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng ở những năm tiếp theo. Bằng chứng là mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh 2023 vừa vào trường lên tới 180 triệu đồng/học kỳ.
Dù học phí tăng cao qua từng năm nhưng nhà trường vẫn phải thuê địa điểm nên khi thực hành, sinh viên phải di chuyển tới nhiều nơi mới đảm bảo đủ trang thiết bị để thực tập. Đó là chưa kể với việc tuyển sinh số lượng lớn sinh viên hằng năm, chị Duy băn khoăn về chất lượng đào tạo, liệu có thể cạnh tranh được với các trường khác cùng đào tạo ngành học này hay không.
Bao giờ có đại học tư thục không vì lợi nhuận?
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến cho biết từ năm 1989, Trung tâm ĐH dân lập Thăng Long ra đời đánh dấu sự phát triển của ĐH dân lập, sau đó là ĐH tư thục ở Việt Nam. Đến nay số đại học tư đã lên tới 67 trường, thu hút hơn 410.000 sinh viên, học viên, điều này thể hiện chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước đã phát huy tác dụng.
“Không một quốc gia nào, nhà nước có thể “ôm đồm” tất cả. Việc phát triển các trường ĐH tư thục là tất yếu. Song thay vì phát triển theo chuẩn mực quốc tế và trở thành những cơ sở giáo dục có chất lượng, ĐH tư thục ở Việt Nam, với cách hoạt động như một doanh nghiệp do tư nhân góp vốn và sở hữu, đã bị chi phối bởi mục đích vì lợi nhuận nhiều hơn là phục vụ giáo dục” - ông Khuyến nhận định.
Theo các chuyên gia, 3 yếu tố để phân biệt giữa ĐH tư thục phi lợi nhuận và ĐH tư thục vì lợi nhuận, thể hiện qua 3 câu hỏi: Ai là nhà đầu tư, ai là người sở hữu, thặng dư của trường được sử dụng như thế nào?
Đặt trong bối cảnh nền giáo dục của Việt Nam, TS Lê Viết Khuyến còn chỉ ra một vấn đề đáng lưu ý hiện nay ở các trường ĐH tư thục: bộ máy quyền lực đang được sắp xếp ra sao?
Việc nhiều gia đình Việt bỏ hàng tỷ USD đưa con ra nước ngoài du học cho thấy nhu cầu của xã hội với giáo dục ĐH chất lượng cao là rất lớn. Đành rằng khó đòi hỏi chất lượng cao trong khi học phí thấp nhưng làm sao để khi các trường thu học phí cao, chất lượng đào tạo cũng được nâng lên tương xứng là vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi vai trò quản lý của các cơ quan chức năng.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng thu 1.162,4 tỷ đồng, trong đó 1.141 tỷ đồng từ học phí. Trường ĐH FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng. Trường ĐH Công nghệ TPHCM thu 1.145 tỷ đồng. Trường ĐH Hoa Sen 918 tỷ đồng, trong đó thu học phí là 680 tỷ đồng; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có tổng thu 886 tỷ, trong đó thu học phí 822 tỷ đồng.
TS Lê Viết Khuyến:
Cần cơ chế thu hút mạnh thường quân
Chỉ khi các trường ĐH tư thục phát triển không chịu sức ép lợi nhuận từ các nhà đầu tư, tất cả lợi nhuận sẽ được trường tái đầu tư vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường. Bên cạnh đó, vì không có chủ sở hữu, không phân chia lợi nhuận, tài sản đóng góp của trường được đảm bảo không phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và dễ dàng thu hút nguồn tài trợ từ các quỹ giáo dục, các tổ chức, cá nhân và cả nguồn tài trợ từ Chính phủ.
Để làm được điều này, về mặt thể chế, hành lang pháp lý cần có những chính sách khuyến khích rõ rệt, mạnh mẽ hơn nữa để thu hút những mạnh thường quân, những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT:
Minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình
Mô hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận lần đầu tiên được định nghĩa trong Luật Giáo dục ĐH năm 2012. Theo đó, các thành viên góp vốn không được chia cổ tức hoặc được hưởng mức lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ; phần lợi nhuận còn lại được dùng để tái đầu tư cho trường. Mô hình này được cụ thể hóa trong Điều lệ Trường ĐH (2014) và Nghị định 141/2013 của Chính phủ.
Chiếu theo định nghĩa này, Việt Nam chưa có trường ĐH tư thục phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, dù là trường ĐH tư thục hay ĐH công lập, quan trọng nhất vẫn là đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình. Nhà nước cần có cơ chế để quy định trách nhiệm giải trình của từng tổ chức giáo dục, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm toán, giám sát các trường ĐH phi lợi nhuận để lấy được niềm tin của xã hội. Đó mới là cơ chế cần thiết để phát triển bền vững và là nền tảng để thu hút các nguồn lực xã hội cho giáo dục ĐH phát triển.