Kinh tế

Nâng tầm giá trị gạo Việt

Thanh Tiến 06/12/2023 07:51

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công của ngành gạo cả về lượng và chất. Tính đến tháng 11, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,75 triệu tấn, thu về 4,41 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2022.

anhbaitren.jpg
Một cánh đồng lúa chất lượng cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá gạo Việt Nam lập đỉnh

Theo TS Trần Hữu Hiệp, giá gạo Việt Nam lập đỉnh trong thời gian qua cho thấy thành công của sự chuyển dịch theo hướng từ lượng sang chất, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp tiếp cận với thị trường.

“Có ý kiến cho rằng kết quả đó một phần nhờ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, tôi không cho là như vậy. Đây chỉ là tác động thêm, điều quan trọng là chúng ta đã chuyển dịch đúng hướng. Trước đây, phần lớn nông dân trồng các giống lúa bình thường, còn ngày nay nhiều diện tích chuyển sang giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Việc chọn giống lúa cũng là bước chuyển dịch theo nhu cầu thị trường” - ông Hiệp nói.

Nói về việc giá gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, trước đây, Thái Lan đứng đầu về xuất khẩu gạo, nhất là về giá trị. Gạo Thái Lan khi xuất khẩu chỉ có 2 tiêu chuẩn, một là gạo thơm, trồng dài ngày (giá cao), mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ; thứ hai là gạo cao sản (ngắn ngày, năng suất cao nhưng giá thấp hơn). Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã lai tạo ra được giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng vượt qua gạo cao sản Thái Lan, rất được khách hàng ưa chuộng.

“Qua hàng chục năm lai tạo, Việt Nam tạo ra được các giống lúa ngắn ngày nhưng lại thơm (ST24, ST25, OM18…). Chúng ta tạo lập được một loại gạo thứ 3 vừa ngắn ngày lại vừa thơm ngon. Thành ra, khách hàng nước ngoài thay vì mua gạo thơm của Thái Lan tới hơn 800-900USD/tấn thì bây giờ mua gạo Việt Nam” - ông Xuân lý giải.

Doanh nghiệp nên mạnh dạn ký hợp đồng lâu dài

Trong bối cảnh vị thế gạo Việt đang ngày càng được nâng cao, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án có mục tiêu, đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững…

Theo GS Võ Tòng Xuân, trước đến nay, trong sản xuất lúa gạo, nông dân, doanh nghiệp (DN), thương lái manh ai nấy làm. Thế nhưng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ra đời sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân cũng như các DN có thể làm việc với nhau, hợp tác, kết nối với nhau một cách bài bản, theo đúng quy trình khoa học. Từ đó sản xuất ra hạt gạo chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất và có đầu ra ổn định.

“Với dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân phải kết hợp với nhau trong hợp tác xã (HTX) và HTX phải liên kết với DN có đầu ra xuất khẩu. Như vậy, vai trò của thương lái sẽ không còn. DN có nguyên liệu với địa chỉ truy được nguồn gốc. Nông dân sản xuất sẽ hạn chế việc sử dụng hoá chất nên nguyên liệu tốt, giá thành sản xuất thấp hơn” – GS Võ Tòng Xuân nói đồng thời cho biết thêm, với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao chúng ta cần những DN có tiềm lực. DN sẽ cùng nông dân xây dựng lại đồng ruộng khoa học, đào tạo nông dân làm đúng theo đúng quy trình” - ông Xuân nói và lưu ý thêm, khi các DN đã có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao thì cũng phải mạnh dạn ký hợp đồng dài hạn trước với các khách hàng.

“DN không chỉ ký hợp đồng 1 năm mà hoàn toàn có thể ký cho những năm tiếp theo bởi ngành nông nghiệp tại nhiều nước đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và có nguy cơ gây mất an ninh lương thực toàn cầu. Trong khi sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn được đảm bảo tốt” – GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Còn theo TS Trần Hữu Hiệp, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang rất được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng, cần đầu tư, phát huy những ngành công nghiệp sáng tạo sau gạo. “Yêu cầu sắp tới phải tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Gạo Việt đang tiếp tục nhận được sự trợ lực và sức bật mới từ các ngành công nghiệp sáng tạo. Đó là các ngành công nghệ sinh học tạo ra giống tốt, cạnh tranh, giảm giá thành, ít sử dụng vật tư nông nghiệp nhất. Là các ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo,...), ngành dược, mỹ phẩm, tạo ra những giá trị từ các tài sản trí tuệ khác và thương hiệu gạo ngon, nổi tiếng, được người tiêu dùng lựa chọn và vinh danh” - TS Trần Hữu Hiệp nói.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá gạo trên thị trường toàn cầu có khả năng sẽ ổn định ở mức cao cho đến giữa năm 2024 do việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 5 năm 2024 và hiện tượng El Nino kéo dài. Vì vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 có thể hơn mức 700 USD/tấn.

Thanh Tiến