Ngăn chặn hoạt động tội phạm trên không gian mạng
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn bán “trá hình” hàng giả, hàng nhái, việc bùng nổ nhiều hình thức livestream, bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội còn đặt ra nhiều lo ngại về hoạt động tội phạm.
Bằng nhiều cách khác nhau, nhân viên một công ty chuyên bán thực phẩm chức năng, mỹ phẩm qua mạng và có mặt bằng tại quận 8 (TPHCM) đã nắm bắt được thông tin cá nhân của bà M. (ở TP Thủ Đức) có lịch sử mua hàng nhiều của công ty. Theo đó, giữa tháng 5/2023 một người tự xưng là Ngọc Châu, nhân viên của công ty liên hệ bà M. để thông báo trường hợp khách hàng may mắn được lựa chọn để quay trúng 2 giải thưởng trị giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, bà M. phải cung cấp hóa đơn thể hiện lịch sử mua hàng, đồng thời nhân viên này cũng hướng dẫn bà M. đặt mua các sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty để đủ số hàng theo yêu cầu quay thưởng. Bị “thao túng” tâm lý, bà M. đã đặt mua hàng hóa của công ty để đủ điều kiện được quy đổi giải thưởng thành tiền mặt. Hiện, băng nhóm lừa đảo này đã bị cơ quan công an xử lý, nạn nhân trình báo đã chi ra số tiền gần 1,3 tỷ đồng, với khoảng gần 60 hóa đơn mua hàng của công ty kể trên từ giữa tháng 5 đến ngày 27/9/2023. Đồng thời, Công an TPHCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng Trần Thị Diễm Chi (31 tuổi, ngụ quận Bình Tân), Hồ Thị Mỹ Lợi (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không chỉ nhắm đến những khách hàng tiềm năng, người lao động, kể cả người hành nghề vận chuyển hàng hóa (shipper), tài xế xe công nghệ (grab) cũng trở thành nạn nhân của bán hàng lừa đảo. Nhiều vụ việc đã được phanh phui.
Sở Y tế TPHCM cho biết, đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế gặp khó khăn, thách thức trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng có thực hiện hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên không gian mạng. Do đó, Sở Y tế TPHCM đề nghị có sự phối hợp của Công an và các sở, ngành chức năng của thành phố với Thanh tra Sở Y tế trong kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trọng điểm, điển hình trong hoạt động quảng cáo y tế trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin điện tử Sở TTTT TPHCM cho biết, đơn vị này đã tham mưu, rà soát các tài khoản đưa tin sai sự thật, bao gồm việc nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng. Ngoài việc xử phạt hành chính, Bộ TTTT cũng phối hợp Bộ VHTTDL xây dựng 2 danh sách “trắng” và “đen” để quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng.
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh văn phòng Sở TTTT TPHCM cho biết, cũng đang tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử với giới văn nghệ sĩ. Theo điều 9 của Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật khi tham gia hoạt động quảng cáo, người nổi tiếng “phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường”. Việc nỗ lực tuyên truyền quy tắc ứng xử với giới văn nghệ sĩ sẽ giúp hạn chế những bất cập trên không gian mạng hiện nay.