Doanh nghiệp Việt: Liên kết để chen chân vào chuỗi cung ứng
Hơn 30 năm qua, kỳ vọng về việc nguồn vốn FDI sẽ tạo ra mối liên kết bền chặt, hỗ trợ khối DN trong nước cùng phát triển và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam vẫn chưa như mong đợi.
Chưa kéo được nền kinh tế lên nấc thang giá trị
Là doanh nghiệp (DN) FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam, Samsung luôn được lấy ra làm dẫn chứng trong việc đã dẫn dắt, đồng hành cùng các DN Việt Nam trên hành trình tham gia rộng và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ việc xây dựng nhà máy ở Việt Nam, DN ngoại này còn hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 DN và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh.
Nhưng không phải DN FDI nào vào Việt Nam cũng mở ra được độ lan toả, kết nối như Samsung. Phần lớn mối liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa hiện lỏng lẻo do các DN FDI còn hạn chế trong việc sử dụng các sản phẩm nội địa. Mặt khác, các DN trong nước cũng còn khá dè dặt trong việc tiếp cận với các DN FDI, chỉ coi các DN FDI như đối tác cạnh tranh chứ chưa chủ động tìm kiếm các cơ hội liên kết.
Một thống kê cho biết, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam mới chỉ có hơn 300 DN thuần Việt là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việc các DN Việt Nam không tham gia sâu được vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề.
Chưa hết, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 giá trị xuất khẩu của DN FDI đạt 273,63 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Giá trị nhập khẩu của khối FDI năm 2022 đạt 233,2 tỷ USD, chiếm 65% tổng giá trị nhập khẩu cả nước. Như vậy có thể thấy rằng, sân chơi xuất khẩu đang bị khối DN FDI gần như “nuốt trọn”.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR nhận định, nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại toàn cầu nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam vẫn đang là một điểm nghẽn, có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu.
Chính sách hỗ trợ chưa trúng
Tại hội thảo “Liên kết DN Việt Nam và DN FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu” diễn ra ngày 5/12, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ: Sau gần 40 năm cải cách, năm nay là thời điểm nền kinh tế đối mặt với khó khăn nhiều nhất. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, cầu bên ngoài giảm mạnh kéo sản xuất công nghiệp trong nước và xuất khẩu giảm theo…
Theo ông Cung, DN Việt vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do vậy trong ngắn hạn cần tiếp tục chương trình hỗ trợ DN đến hết năm 2025. Tuy nhiên, trong khó khăn, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới với mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh…Để nắm bắt cơ hội phát triển, DN cần phải có nền tảng, có năng lực để chủ động sản xuất thay vì phụ thuộc bên ngoài.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu chỉ liên kết như hiện nay chỉ dừng ở quy mô nhỏ. Mặc dù Việt Nam có động lực hợp tác, liên kết và phát triển nhưng không có nguồn lực, chính sách hỗ trợ chưa trúng nên liên kết DN trong nước và FDI còn lỏng lẻo.
Ông Cung nhấn mạnh đến việc cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết DN trong nước và FDI với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn hơn. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực, thế mạnh để tập trung sản xuất sản phẩm của mình để cung ứng cho chuỗi, tạo thành mắt xích của chuỗi một cách bền vững.
Theo giới chuyên gia, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các DN đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Các tập đoàn, DN tư nhân lớn cần chia sẻ thị trường, cơ hội cho DN nhỏ, cần thể hiện tính tiên phong, dẫn dắt, đầu tư vào khoa học công nghệ và con người để tạo ra một hệ sinh thái phát triển chung, tạo cơ hội cho DN nhỏ phát triển. DN lớn cần chủ động nghiên cứu xu thế của thế giới, sự chuyển dịch trong bối cảnh hiện nay để đi trước một bước. Đồng thời, cũng cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.