Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Sau 7 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã và đang lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng cũng đang đối mặt với nguy cơ biến tướng.
Tại tỉnh Nam Định, hiện có trên 600 di tích liên quan đến thờ cúng và các thực hành liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó có tới gần 200 bản hội, hàng trăm thanh đồng và cung văn, hầu dâng, cùng với nhiều con nhang đệ tử khác… Tại tỉnh Lạng Sơn hiện có 811 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, hiện số lượng các di tích thờ Mẫu lên tới 720 di tích…
Tuy nhiên, trên hành trình hậu ghi danh, việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể này vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Theo TS Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, tình trạng thương mại hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu đang là một thực tế nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp. Ông Đáp cũng cho biết, với Bắc Ninh hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hoá tại cơ sở còn mỏng. Nhận thức của người dân về tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều khi còn ác cảm dẫn đến hành vi tiêu cực, lệch lạc. Tình trạng dùng đồ mã với số lượng quá nhiều khiến cho nghi lễ dần mất đi tính linh thiêng và ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, hiện vật tại di tích.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Nam Định Doãn Sinh Nam, các chủ thể nắm giữ di sản văn hóa, được coi là báu vật sống thì phần lớn đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên việc tư liệu hóa, truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Việc vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này chưa kịp thời. Chưa xây dựng chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và những nghệ nhân truyền dạy. Những hạn chế, tồn tại này đã và đang ảnh hưởng ít nhiều tới việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận tới nay vẫn chưa có văn bản pháp quy quy định riêng đối với hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trong khi hoạt động thờ Mẫu ngày càng nở rộ. Các đền, phủ lập ra và hoạt động tràn lan, biến tướng dưới nhiều hình thức làm ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận nhân dân và gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Theo Nghệ nhân nhân dân Lưu Ngọc Đức - thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng Từ (12 Hàng Hành, Hà Nội), ngay tại Thủ đô Hà Nội, thực hành hầu đồng theo cách “méo mó”, sai lệch cũng xuất hiện ở ngay trong khuôn khổ một số hội nghị, toạ đàm, diễn đàn về bảo vệ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nơi người ta hô hào bảo vệ di sản này. Thậm chí thực hành di sản còn diễn ra ở các địa điểm du lịch tiêu biểu của thủ đô như khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ, phố cổ, phố đi bộ…
Còn theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng - thủ nhang đền Nguyên Khiết Linh Từ (102 Hàng Bạc, Hà Nội), từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh, nhiều tổ chức phi chính phủ như các trung tâm, viện, hội, chi hội, câu lạc bộ… lấy danh nghĩa là tổ chức bảo tồn phát huy tín ngưỡng để mang khăn áo, trang phục, các điệu múa thiêng về thần thánh của tín ngưỡng này ra biểu diễn, dưới dạng “liên hoan”. Họ tổ chức hầu đồng với sự đóng góp kinh phí của các thanh đồng non nớt, nhưng lại muốn có những bằng khen, giấy khen để “đánh bóng tên tuổi”. Hai đối tượng này tìm đến nhau và sống dựa vào nhau, để một bên kiếm danh hiệu, một bên thu lợi nhuận, thông qua việc khai thác “di sản tín ngưỡng” vô tội vạ, dễ dẫn tới hủy hoại di sản do thực hành sai, vi phạm tính thiêng của tín ngưỡng, vi phạm những nguyên tắc đạo đức về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể do UNESCO ban hành.
Nghệ nhân nhân dân Lưu Ngọc Đức cho rằng, nhiều người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực này đều đã và đang thực hiện rất nghiêm chỉnh, song bên cạnh đó vẫn còn một số ít do hiểu biết còn hạn chế, mục đích chưa đúng đắn đã tạo ra sự lệch chuẩn, làm ảnh hưởng không tốt tới những nét đẹp của tín ngưỡng. Xin đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”, và cần chung tay khắc phục.