Dàn nghệ sĩ Táo Quân được phong Nghệ sĩ Nhân dân
Sau các nghệ sĩ Quốc Khánh, Tự Long, trong đợt xét tuyển Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần này, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng được phong phần thưởng cao quý.
Theo quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu NSND. Đây là danh sách mới nhất về phong tặng danh hệu NSND đợt 2 của năm 2023.
Trong danh sách này có nghệ sĩ "Táo Quân" - Xuân Bắc. Như vậy, sau Quốc Khánh, Tự Long thì Xuân Bắc là nghệ sĩ tiếp theo trong "gia đình nhà Táo" được gọi tên trong "bảng vàng".
NSND Xuân Bắc được phong tặng danh hiệu NSƯT vào đầu năm 2016. Hiện anh đang làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1995, nghệ sĩ Xuân Bắc được khán giả biết đến qua các vai diễn trong những bộ phim truyền hình như: “12A-4H”, “Chuyện nhà Mộc”, “Sóng ở đáy song”, “Con đường sang”, “Hai phía chân trời”... Đặc biệt là vai Núi trong bộ phim “Sóng ở đáy song”.
Dấu ấn sau này của anh gắn với những tiểu phẩm hài kịch, nổi bật có các vai diễn trong “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp nhau cuối năm”,... đặc biệt là vai Nam Tào trong “Táo Quân”.
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, Xuân Bắc còn là MC cho một số chương trình truyền hình ăn khách như “Đuổi hình bắt chữ”, “Hỏi xoáy đáp xoay”, “Ơn giời! Cậu đây rồi”…
Ngoài ra, anh cũng tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, các phong trào hoạt động xã hội, phong trào thiện nguyện và có sự ảnh hưởng lớn tới công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
NSND Tự Long hiện là người trẻ nhất trong dàn diễn viên của Táo Quân được xét tặng danh hiệu NSND. Anh được xét tặng danh hiệu NSND vào đầu năm 2016.
Nhắc đến Tự Long trong “Táo Quân”, khán giả ấn tượng với loạt vai diễn Táo mà anh từng đảm nhiệm. Tiêu biểu có thể kể đến vai diễn Táo thoát nước trong Táo Quân 2009. Nhân vật này được xây dựng để nêu lên tình trạng nước lũ lụt trong năm, gây khó khăn khổ sở cho người dân.
Bài hát "Lụt từ ngã tư đường phố" dựa trên trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 được tái hiện một cách hài hước, dí dỏm. Ngoài ra, những ca khúc như: "Vợ người ta", "Đường cong", "Nơi tình yêu bắt đầu"... được chế lời đều gây sốt khi được Tự Long thể hiện.
Nghệ sĩ Tự Long cũng là gương mặt hiếm hoi đảm nhận nhiều vai, không cố định nhân vật trong Táo Quân. Anh từng thể hiện nhiều vai Táo khác nhau như Táo Thoát nước, Táo Văn hóa - Giáo dục, Táo Thể thao, Táo Thổ địa, Táo Giao thông…
Tự Long hài hước chia sẻ về những vai diễn của mình: "Tôi ít khi có vai diễn cố định trong Táo quân mà thường chạy lung tung, đóng vai Táo "lạ". Có khi đến gần cuối, có một Táo mới phát sinh thì Tự Long sẽ đóng vai Táo đó".
Trên sân khấu Táo quân, Tự Long còn được mệnh danh là “Táo hát” vì không có buổi chầu nào anh không hát, thậm chí hát nhiều hơn nói. Tự Long thường hát chèo, có biệt danh "Long chèo", bởi anh vốn xuất thân từ Nhà hát chèo Quân đội.
NSND Quốc Khánh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) lần thứ 10, theo quyết định 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước ký ngày 22/6/2023.
Nghệ sĩ Quốc Khánh sinh năm 1962 tại Hà Nội, là gương mặt nổi bật trong dàn nghệ sĩ đình đám của Lớp diễn viên khóa I của Nhà hát Kịch Việt Nam (1978-1982) cùng NSND Trung Anh, Trọng Trinh, Lan Hương "Bông", Việt Thắng,... Anh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.
Trong sự nghiệp của mình, anh gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam suốt hơn 40 năm, nhận quyết định nghỉ hưu cuối tháng 11/2022. Hai vở “Người đá lạc đội hình” của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, “Cuộc chia tay tháng 6” do NSND Trọng Khôi đạo diễn đánh dấu những ngày đầu trong sự nghiệp sân khấu của nghệ sĩ Quốc Khánh.
Ở lĩnh vực truyền hình - điện ảnh, vào năm 2006, Quốc Khánh giành Giải thưởng Cánh diều vàng cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhờ vai Gù trong phim điện ảnh “Áo lụa Hà Đông”. Anh cũng ghi dấu ấn với những vai diễn hài hước của tiểu phẩm “Gặp nhau cuối tuần”, phim “Tết này ai đến xông nhà”, “Ghen”...
NSND là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Người được trao danh hiệu NSND phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.
Người này cũng phải được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao NSƯT.