Sức khỏe

Cẩn trọng với bệnh Whitmore

Đức Trân 07/12/2023 06:58

Bệnh Whitmore gây ra nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng và có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Bệnh có diễn biến lở loét lan rộng nên thường được người dân gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sốc nhiễm khuẩn nguy kịch được điều trị thành công tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Đình Hùng.

Thông tin từ Bệnh viện trung ương quân đội 108 cho biết, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa của bệnh viện vừa thu dung và điều trị cho bệnh nhân A.D. (50 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tại vùng cổ trái có khối sưng đau. Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng cổ gáy trái, và lưng do mắc bệnh Whitmore.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chích rạch ổ áp xe. Sau chích rạch ổ áp xe 1 ngày, bệnh nhân chuyển xuống khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa trong tình trạng còn sốt nhẹ. Bệnh nhân được cách ly và điều trị tích cực với kháng sinh liều cao, bổ sung truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi và đạm nuôi dưỡng. Hiện bệnh nhân còn sốt nhẹ, đỡ thiếu máu, không phù, không xuất huyết dưới da, không đau ngực, không khó thở, tại vị trí chích rạch cổ và lưng trái còn sung nề...

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng tiếp nhận bệnh nhân L.T.V. (nam, 38 tuổi) vào viện do sốt ngày thứ hai kèm theo đau khớp hai bên, mệt mỏi nhiều. Tình trạng người bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ sốt 2 ngày nhưng ngay lúc vào viện đã sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận.

Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp tối ưu bao gồm truyền dịch, kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu liên tục. Mặc dù vậy, bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiến triển toàn thân. Kết quả cấy máu của bệnh nhân phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Những ngày sau đó, bệnh nhân tiếp tục tình trạng sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy, bên cạnh những ổ áp xe toàn thân thì huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi kèm theo sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.

BS Vũ Đình Hùng - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong rất cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân mà đáp ứng rất kém với kháng sinh. Cũng vì lý do đó mà Burkholderia pseudomallei được mệnh danh là vi khuẩn ăn thịt người.

Nhờ những cố gắng của các bác sĩ, sau 1 tháng rưỡi điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở. Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện tỉnh Sơn La để tiếp tục điều trị.

Bệnh Whitmore là bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn có trong đất và nước thuộc các vùng nhiệt đới, nhất là khu vực Đông Nam Á và bắc Úc. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong các môi trường đất, nước, không khí (bụi) ở các điều kiện môi trường khác nhau. Cơ thể cảm thụ dễ mắc bệnh hơn trong các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt như mưa, bão.

Bệnh lây chủ yếu qua đường da, niêm mạc xây xát khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất, nước, chất bẩn khi tiếp xúc mà không có phương tiện bảo hộ (nông dân làm việc trên các đồng ruộng, những người tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn...). Qua hô hấp khi hít phải bụi có chứa vi khuẩn, qua tiêu hóa khi uống các nguồn nước nhiễm bẩn. Lây truyền trực tiếp giữa người với người, người với động vật hiếm khi xảy ra.

Đại tá, TS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm lưu ý, bệnh Whitmore có đặc trưng là: Sốt, viêm phổi và áp-xe nhiều cơ quan, mức độ bệnh từ các nhiễm trùng nhẹ, khu trú cho đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng.

Để phòng ngừa bệnh Whitmore, những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.

Đức Trân