Nghệ thuật trình diễn hát soóng cọ được vinh danh
Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành các quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Quảng Ninh có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và lễ hội xuống đồng (phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên).
Việc quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Sán Chỉ và Sán Dìu.
Theo tiếng Sán Chỉ, soóng cọ có nghĩa là ca hát, hát đối, hát giao duyên. Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng). Soóng cọ do từng đôi nam nữ, hay một tốp nam, tốp nữ hát đối đáp trong ngày hội xuân, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn.
Ngày hội soóng cọ thường diễn ra vào cuối mùa xuân, khi vụ cấy đã xong, trai gái hò hẹn nhau tụ hội lên đồi, ra suối để bày tỏ tình cảm yêu thương, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn, những công việc hàng ngày để quên đi mệt mỏi, chia sẻ những lời tâm sự, ước mơ cho một cuộc sống ấm no.
Theo giới nghiên cứu văn hóa dân gian, soóng cọ ra đời từ cách đây 300 năm tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Là loại hình hát giao duyên nhưng tục hát soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng. Lời ca của soóng cọ rất duyên dáng, tình tứ: “Chàng đến muộn, em mong đợi chàng. Con ngựa chân ngắn chàng đến muộn. Bao nhiêu hoa đẹp người hái tất. Chàng đến muộn hoa đẹp không còn. Phượng hoàng bay qua đỉnh đầu rừng. Trăng lặn phía tây sao mọc lại..”.
Sau này hội soóng cọ mở rộng hơn với đêm lửa trại, giao lưu giữa các nghệ nhân, người dân và du khách, chọi chim chào mào giữa các câu lạc bộ, giao lưu bóng đá nữ. Du khách cũng được chứng kiến màn trình diễn ẩm thực và kỷ lục đồng diễn xào 20 chảo phở, món ăn đặc trưng của huyện Bình Liêu. Đặc biệt, không thể thiếu nghi lễ cầu may tại hai cây đa có tuổi đời trên 100 năm...
Tới nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận.