Du lịch

Phát triển du lịch xanh

Phạm Sỹ 07/12/2023 07:00

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 định hướng trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

anh-to-bai-tren.jpg
Du lịch xanh đang tạo nên một hệ sinh thái mới. Ảnh: P.Sỹ.

Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển, diện tích rừng và bờ biển dài, vị trí địa lý thuận lợi để phát triển nhiều chương trình du lịch gần gũi với thiên nhiên. Đây là những thuận lợi để du lịch xanh phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng, du lịch xanh đã và đang trở thành một xu thế của du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đòi hỏi tất cả chúng ta phải nhanh chóng hoạch định chiến lược đúng đắn, đồng bộ ở tầm vĩ mô và vi mô để du lịch Việt Nam sớm trở thành nền du lịch xanh bền vững theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.

Trong hai năm qua, ngành du lịch đều lựa chọn chủ đề xanh cho Năm Du lịch quốc gia. Trong đó, Năm Du lịch quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; Năm Du lịch quốc gia 2023 có chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, du lịch xanh đặt sự tập trung lớn vào bảo tồn và bảo vệ môi trường, giúp duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Hạn chế tác động tiêu cực đối với môi trường, giảm lượng rác thải và ô nhiễm. Loại hình này sẽ thúc đẩy các mô hình phát triển bền vững, giúp các địa phương phát triển mà không làm tổn thương tài nguyên du lịch, môi trường. Tạo ra các dự án du lịch mới sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. “Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững.

Bài toán đặt ra lúc này là, làm thế nào để tạo ra được một sản phẩm du lịch xanh thực sự và tạo ra giá trị lợi ích cho cả cộng đồng người dân địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách, vừa bảo tồn giữ gìn được giá trị nguyên bản, vừa điều tiết để không tác động xấu đến tài nguyên trong tương lai.

Du lịch xanh muốn tồn tại thì cần phải có khách hàng. Việc thực hiện du lịch xanh là trách nhiệm thuộc về không chỉ một cá nhân hay tổ chức đơn lẻ mà cần sự phối hợp chặt chẽ và giám sát lẫn nhau của các cơ quan ban ngành địa phương, tổ chức doanh nghiệp (DN) lữ hành, nhà đầu tư cung ứng dịch vụ và đặc biệt là DN khai thác trực tiếp các tài nguyên du lịch hiện hữu.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên cho rằng, việc phát triển thương hiệu qua các hoạt động du lịch xanh, du lịch bền vững đòi hỏi tâm và tầm của DN phải cao hơn hẳn so với trước đây. Ngày nay, tiêu chí hàng đầu của DN không đơn thuần là kinh doanh, là lợi nhuận nữa mà phải đặt lợi ích của môi trường, của cộng đồng lên trên. Trong đó, con người luôn là yếu tố trọng tâm.

Đồng quan điểm, bà Nhữ Thị Ngần - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) đánh giá cao tầm quan trọng sự chung tay của các bên. Để thực hiện thành công định hướng phát triển du lịch xanh cần sự chung tay vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, của các DN tham gia cung cấp dịch vụ và hàng hóa phục vụ cho du lịch và sự ủng hộ của cộng đồng người dân địa phương, và đặc biệt là sự hợp tác của du khách.

anh-theo-box-bai-tren.jpg

Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), du lịch Việt Nam đang phải đối diện với mâu thuẫn giữa phát triển, xây dựng với bảo tồn thiên nhiên. Thói quen xả rác bừa bãi, sử dụng vật liệu có hại với môi trường của người dân và du khách đang đe dọa đến môi trường sinh thái… Khi hướng dẫn các địa phương xây dựng du lịch cộng đồng, yếu tố quan trọng luôn được đặt lên hàng đầu là tập huấn cho bà con thay đổi tư duy làm du lịch, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa để thu hút du khách.

Phạm Sỹ