Lao động nhập cư mạo hiểm trở lại Israel
Panaphan Klongsuwan, người Thái Lan, quyết định đặt vé trở lại Israel vì biết nước này đang rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.
“Hầu hết các nhà tuyển dụng tăng gấp đôi lương cho những người quay trở lại. Đây là một cơ hội tốt mà tôi không muốn bỏ lỡ” - người đàn ông 37 tuổi nói.
Trước ngày 7/10, khi Hamas tấn công vào Israel, Panaphan là công nhân nông nghiệp ở Israel, kiếm được 1.400 USD mỗi tháng để gửi về nhà. Anh trở về quê ở tỉnh Phrae phía bắc Thái Lan theo lịch nghỉ phép vào ngày 7/11.
Gaza, khu vực hứng chịu nhiều đợt không kích, chỉ cách khu đồn điền cà chua, cam và chuối vài km, nơi nhiều người lao động Thái Lan đang làm việc. Tuy nhiên, Panaphan vẫn quả quyết rằng, anh sẽ trở lại Israel bởi ở đó có cơ hội thoát nghèo, làm thay đổi cuộc sống.
“Cơ hội không chờ đợi, ngân hàng cũng không chờ đợi. Các khoản vay mua nhà, mua ô tô đều do bố tôi đứng tên. Tôi kiếm sống thay cho cả gia đình và tôi sẽ làm việc để trả hết nợ”, Panaphan nói.
Trước xung đột, khoảng 30.000 công nhân Thái Lan đăng ký làm việc tại Israel, họ kiếm được khoảng 1.400-1.700 USD/tháng, gấp nhiều lần mức lương ở quê nhà.
Các công nhân và tổ chức phi chính phủ cho biết, điều kiện ở các trang trại chưa bao giờ dễ chịu. Công nhân khiếu nại về việc không được trả lương làm thêm giờ. Họ mắc nợ người môi giới bất chấp các thỏa thuận cung cấp lao động cấp chính phủ. Nhưng thực tế ở Thái Lan vẫn khiến việc đến Israel trở nên rất hấp dẫn: một quốc gia có lực lượng lao động nông thôn tồn tại ở một thế giới cách xa sự giàu có của Bangkok, thu nhập thấp do trình độ học vấn kém và khó thoát khỏi “nanh vuốt” của những kẻ cho vay nặng lãi.
Ở những ngôi làng vùng sâu vùng xa, nợ nần của gia đình, trả nợ xe và nhà, học phí và nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ tiếp tục thúc đẩy nông dân trẻ - những người có mức lương hằng ngày hiếm khi vượt quá 10 USD - phải di cư.
Shane Rienthong - công dân Thái Lan 60 tuổi - bày tỏ: “Chúng tôi thà tìm cách thoát nghèo còn hơn sống cuộc đời ăn xin. Chúng tôi ra nước ngoài làm việc vì chúng tôi không có trình độ học vấn. Tài sản duy nhất của chúng tôi là sức lao động”.
Tuy nhiên, theo chính quyền Thái Lan, việc quay trở lại khu vực bị chiến tranh tàn phá là điều không nên làm sau nhiều tuần Ngoại trưởng Panpree Bahiddha-nukara thực hiện “ngoại giao con thoi” để các con tin Thái Lan được phóng thích và để sơ tán hàng nghìn công nhân khỏi Israel.
Ông Veerapong Injai từ Sở Lao động tỉnh Phrae cho biết: “Chính phủ đã dành rất nhiều nguồn lực để giúp công nhân Thái Lan thoát khỏi vùng chiến sự. Chúng tôi không khuyến khích bất kỳ ai trong số họ quay trở lại vào lúc này”.
Các trang trại của Israel chủ yếu tập trung ở miền trung và miền nam đất nước. Trước ngày 7/10, hàng nghìn người Thái Lan và Palestine là lao động chính. Tuy nhiên, nhiều người Thái đã bỏ chạy sau cuộc tấn công của Hamas, trong khi người Palestine phần lớn bị cấm tham gia lực lượng lao động, khiến các trang trại rơi vào cảnh thiếu người làm trầm trọng khi mùa thu hoạch đang đến gần. Ở Ấn Độ, các nghiệp đoàn yêu cầu chính phủ không gửi công nhân đến Israel.
Nhưng Sri Lanka có thể cung cấp giải pháp. Trong những ngày tới, hàng nghìn công nhân Sri Lanka sẽ đến Israel để giải quyết tình trạng thiếu lao động do xung đột gây ra. Chính phủ Sri Lanka hy vọng người lao động sẽ sớm gửi tiền về một quốc gia đang bị tàn phá kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến giá cả mọi thứ từ sữa bột trẻ em đến thuốc men tăng vọt.
Khoảng 20.000 người Sri Lanka sẽ sớm đến Israel - nơi vốn đã có khoảng 8.000 công nhân Sri Lanka, phần lớn làm giúp việc hoặc nông nghiệp. “Không có xu hướng người lao động Sri Lanka ở Israel trở lại quê hương. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đưa họ trở lại bất cứ lúc nào họ muốn”, Bộ trưởng Lao động Manusha Nanayakkara nói với giới truyền thông.
Chính phủ Sri Lanka cũng mong muốn thu được lợi ích từ nguồn kiều hối. Kể từ năm 2019, Sri Lanka đã phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài nghiêm trọng, lạm phát cao, thâm hụt tài chính gia tăng và đồng tiền suy yếu. Hơn 300.000 người Sri Lanka đã ra nước ngoài tìm kiếm những cơ hội mới.
Chủ tịch Liên đoàn các Công đoàn dịch vụ công độc lập Adhikari Jayaratne cho biết: “Người Sri Lanka thích ở lại Israel để làm việc. Chính phủ cũng không đưa ra bất cứ hạn chế nào đối với những người lao động muốn tìm kiếm việc làm ở Israel”.
Theo nghị sĩ Rauff Hakeem, người lao động nhập cư phải làm việc trong các trang trại bị bỏ trống, vì vậy an ninh của họ không được đảm bảo. Tuy nhiên, Punsara Amarasinghe, học giả về luật pháp quốc tế và quan hệ Israel-Sri Lanka, cho biết, Israel vẫn là một “điểm đến phổ biến” do các thỏa thuận lao động đưa công nhân sang Israel. Người Sri Lanka coi Israel là điểm đến vì quyền làm việc của họ được bảo vệ.
Yahel Kurlander, học giả về di cư tại Đại học Tel-Hai ở Israel, cho biết người lao động nhập cư phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như không được trả lương làm thêm giờ, chỗ ở chật chội, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.