Thêm trường đại học đạt chuẩn châu Âu
Trường Đại học (ĐH) Khoa học và Công nghệ (ĐH Việt Pháp- USTH) là trường ĐH thứ 6 của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định cơ sở đào tạo của Tổ chức kiểm định HCERES.
Thước đo mức độ hội nhập
Theo GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH, việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với USTH trong giai đoạn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và nghiên cứu hiện nay. “Báo cáo đánh giá của HCERES là những thông tin quan trọng để USTH không ngừng cải thiện các hoạt động quản lý, đào tạo và nghiên cứu theo các tiêu chuẩn quốc tế, để đưa trường tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo khoa học công nghệ tại Việt Nam và trong khu vực” – GS. Jean-Marc Lavest nói.
Trước đó, HCERES, thành viên Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH châu, công nhận chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục tại 5 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trong bối cảnh các trường ĐH Việt Nam đang thực hiện tự chủ ĐH với những thay đổi liên tục để thích nghi, việc kiểm định chất lượng giáo dục giúp người dân biết được chất lượng đào tạo của nhà trường.
Nguyên thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga từng chia sẻ, người học hiện nay không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, điều họ quan tâm là học được gì ở ngôi trường đó. Nhà tuyển dụng cũng sẽ an tâm hơn khi sử dụng nguồn nhân lực từ cơ sở đào tạo đã qua "kiểm định". Bằng tốt nghiệp và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường đạt chuẩn kiểm định có giá trị khác biệt với trường chưa đạt chuẩn kiểm định.
Mặc dù hiện nay tại Việt Nam có nhiều chương trình kiểm định và tùy từng mục tiêu, lĩnh vực… các trường lựa chọn các đơn vị, tổ chức đánh giá. Khi các trường hay chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới, cơ hội để sinh viên bước ra thế giới, chinh phục nhà tuyển dụng sẽ rộng mở hơn so với nhiều chương trình chưa được công nhận hoặc được công nhận bởi các tổ chức chưa xây dựng được uy tín lớn. Kết quả kiểm định do các tổ chức nước ngoài uy tín thực hiện được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục.
Kiểm định không phải để tăng học phí
Câu hỏi đặt ra là sau khi đạt kiểm định chất lượng theo một bộ tiêu chuẩn nào đó, dù là của các tổ chức trong nước hay quốc tế thì cơ sở giáo dục ĐH sẽ có những thay đổi cụ thể như thế nào. GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng trong bối cảnh cách mạng 4.0, công nghệ luôn luôn thay đổi đòi hỏi các trường ĐH cũng phải luôn cải tiến chất lượng đào tạo, thể hiện từ việc cập nhật liên tục từ khung chương trình, các môn học, giảng viên đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ học tập khác… Các trường không thể ung dung đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng mà “dậm chân tại chỗ” vì tùy từng chương trình kiểm định sẽ có chu kỳ đánh giá khác nhau. HCERES sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục ĐH lần đầu tiên có thời hạn 5 năm. Tại Việt Nam, 4 trường được đánh giá và công nhận đạt chuẩn lần đầu tiên năm 2017 và đến nay đang thực hiện tái đánh giá.
Tương tự, với các cơ sở giáo dục ĐH, các chương trình đào tạo khác dù đạt chuẩn kiểm định chất lượng do tổ chức, đơn vị nào thực hiện cũng cần đề cao tính nghiêm túc, khách quan, minh bạch. “Kiểm định sẽ có chất lượng nếu các khâu kiểm định được làm một cách nghiêm túc”, GS Lâm Quang Thiệp nói.
Một số người băn khoăn là hiện nay, khi các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ ĐH, việc tăng học phí là khó tránh khỏi. Vậy các trường, các chương trình được đánh giá, kiểm định chất lượng bởi các tổ chức quốc tế có đồng nghĩa với việc đảm bảo chất lượng tốt hơn, có thể thu học phí cao hơn so với các trường, chương trình chưa hoặc mới được kiểm định bởi tổ chức trong nước?
Ông Thiệp cũng cho rằng học phí của từng trường, từng chương trình được quy định theo Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 81/2021. Theo đó, mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo, tuy nhiên không được vượt “trần” đã được xác định tại Nghị định 81. Tuy nhiên, để các trường ĐH không tăng học phí một cách “bất chấp”, cơ quan quản lý nhà nước cần có kênh giám sát và cảnh báo, bảo đảm quyền lợi cho sinh viên, bảo đảm công bằng xã hội.