Thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát
Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 11 và 11 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH, phân bổ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng cuối năm 2023, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kết hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, tính chung 11 tháng ước xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 10,3 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2022.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ 2022, số tuyệt đối cao hơn gần 123 ngàn tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển KTXH tiếp tục được triển khai quyết liệt; tính đến hết tháng 11, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 thuộc Chương trình đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên họp, cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra như: kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện.
Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ ra sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc; một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là các sàn giao dịch bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (DN), chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ, bảo đảm công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình.
Về các dự án, DN yếu kém và xử lý các vấn đề tồn tại, theo Thủ tướng, cần khẩn trương triển khai phương án xử lý đối với dự án, DN đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương; tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án đối với các dự án, DN còn lại; nỗ lực hoàn thành trong tháng 12. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, đặc biệt thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng KTXH theo nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Phải hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công kế hoạch 2023 còn lại trước ngày 10/12/2023. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu trong năm 2024.
Về dịch vụ, du lịch, Thủ tướng lưu ý phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng); có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh). Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về chương trình mục tục tiêu quốc chấn hưng, phát triển văn hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Quyết liệt thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chú ý việc xử lý các tài sản, đất đai sau sắp xếp, chống lãng phí, tiêu cực. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; đấu tranh các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.