Kinh tế

Cam miền Tây vào vụ, giá không quá 4.000 đồng/kg

ĐOÀN XÁ 07/12/2023 07:03

Hai tuần trở lại đây, khi bước vào vụ thu hoạch chính, nhiều nhà vườn trồng cam ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… phải bán cam với giá 3.000 đồng mỗi kg, thậm chí thấp hơn.

anh-bai-phu.jpg
Nông dân Vĩnh Long thất thu vì giá cam thấp.

Anh Đặng Văn Hiệu, 34 tuổi, một vườn cam hơn 4 héc-ta xã Hoà Thành (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết nhiều tháng qua cam có giá khá thấp so với mọi năm. “Từ đầu năm giá cao dao động ở mức 6.000 tới 8.000 đồng mỗi kg. Nhưng từ cuối tháng 11 vừa qua giá cam xuống thấp hơn nữa, chỉ khoảng 3.000 tới 4.000 đồng mỗi kg. Mà cam tuyển loại 1 da bóng, quả lớn mới được giá đó, còn lại thấp hơn. Mặc dù chi phí thấp nhưng cam phải có giá chừng 5.000 đồng mỗi kg thì người trồng mới không lỗ vốn. Khu vực vườn nhà tôi đường nhỏ nên chi phí hái, vận chuyển cao lắm, bán giá như hiện nay chỉ lỗ thôi”, anh Hiệu cho biết. Anh đang tính chặt một nửa diện tích cam để thay thế bằng sầu riêng hay mít Thái.

Tình cảnh như gia đình anh Hiệu khá phổ biến trong cộng đồng nông dân trồng cam, khi chi phí sản xuất cao hơn giá bán.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Văn Tám cho hay, huyện có 9.500ha trồng cam. Cam rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng và dễ chăm sóc. Sản lượng trái cũng rất cao, từ 70 tới 100 tấn mỗi ha. Mùa thu hoạch cam bắt đầu rộ từ tháng 11 và có thể kéo dài tới hết tháng 12.

Cách Trà Ôn chừng 30km, nhiều nông dân trồng cam ở huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cũng bước vào vụ thu hoạch khi giá ở mức thấp.

“Nông dân ở đây chủ yếu trồng cam sành, vỏ dày, nặng và nhiều nước. Hái đúng vụ thì chất lượng cam rất tốt nhưng nếu để quá thời gian, cam sẽ bị vàng, khô, gần như không thể bán được. Vườn cam nhà tôi hơn 3 ha đều đang hái được rồi. Cũng vẫn có thương lái bên thị trấn gọi điện hỏi nhưng họ trả giá thấp quá. Tôi đợi sang tuần xem cam có tăng lên không để bán. Cam ở đây năng suất cao lắm, không dưới 80 tấn mỗi ha nên chỉ cần giá tốt là yên tâm”, ông Phạm Thanh Vĩnh ở xã Mỹ Đức Tây cho biết.

Theo ông Vĩnh, cam Cái Bè là sản phẩm lâu đời của địa phương, tạo được thương hiệu trên thị trường nên nếu phải chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác thì rất phí.

Khác với những loại cây trồng phục vụ xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long… cam ở khu vực miền Tây Nam bộ được trồng chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. TPHCM là nơi tiêu thụ chính, chỉ phần nhỏ cam được xuất khẩu. Vĩnh Long là một trong những địa phương có diện tích trồng cam lớn nhất ở khu vực miền Tây Nam bộ với diện tích khoảng 17.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm. Tiếp đó là Tiền Giang, với khoảng 4.000 ha tập trung chủ yếu ở Cái Bè, Cai Lậy hay Châu Thành. Ngoài ra, cam cũng được trồng nhiều ở Bến Tre, Trà Vinh hay Đồng Tháp.

Trái ngược với cam đang giảm giá sâu, sầu riêng của nông dân Tiền Giang, Vĩnh Long lại đang được thương lái thu mua với giá 150.000 đồng/kg (sầu riêng Ri6), cao gấp 2 lần so với 5 tháng trước. Nhiều nông dân cho biết cuối năm đang là thời điểm vụ nghịch nên sản lượng sầu riêng ít trong khi nhu cầu cao.

ĐOÀN XÁ