Tinh hoa Việt

Người kể chuyện lịch sử vui vẻ

CẨM THÚY 07/12/2023 14:11

Tình cờ lựa chọn khoa Lịch sử, là một trong những người tham gia thành lập Viện Sử học, Giáo sư Lê Văn Lan dành gần một thế kỷ nghiên cứu lịch sử cổ đại. Nhưng về phương pháp khoa học, quan điểm khoa học và quan niệm sống, ông lại là một người hiện đại.

img_1199(1).jpg
GS Lê Văn Lan. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Ông luôn luôn chống lại việc làm xơ cứng lịch sử bằng cách miệt mài viết sách kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ và đi nói chuyện lịch sử ở khắp nơi.

Chia sẻ về cuốn sách "Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ" vừa được phát hành, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: Đây là tập hợp lại kế thừa từ bộ sách gồm 3 cuốn cũng có tên là “Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” đã xuất bản hơn 10 năm trước, được chỉnh lý, bổ sung, nâng cao hơn.

“Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” bao gồm 50 câu chuyện về các vị vua, anh hùng nổi tiếng của Việt Nam. Trao đổi riêng với phóng viên, Giáo sư Lê Văn Lan cho biết ông luôn luôn mong muốn đưa lịch sử đến với mọi người một cách vui vẻ, đặc biệt là cho trẻ con. Lịch sử không phải là thứ khô cứng, lịch sử phải khiến cho người ta thích, nhất là trẻ em. Đó là điều ông đã làm trong bộ 3 cuốn “Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” đã xuất bản từ hơn 10 năm trước mà nay ông tập hợp lại trong một cuốn mà ông gọi là “tập đại thành”. Đó cũng là điều ông vẫn luôn làm trong những cuộc đi nói chuyện về lịch sử, trong những dịp làm vai trò cố vấn của các chương trình truyền hình, nhất là chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

“Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” được Giáo sư Lê Văn Lan kể cho tuổi thơ về những nhân vật lịch sử nổi bật trong lịch sử nước nhà như: vua Hùng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, và các vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, hay các văn thần nổi tiếng tài giỏi như: Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...

Ở mỗi bài viết, Giáo sư có phần tóm lược tiểu sử trước khi kể chuyện, giúp người đọc dễ hình dung về nhân vật, đi kèm hình ảnh minh họa. Tác giả chọn lọc các chi tiết để đảm bảo được sự kiện nổi bật trong cuộc đời nhân vật.

Chẳng hạn, trong câu chuyện về nguyên phi Ỷ Lan, có tên bài viết là “Vì sao có tên gọi Ỷ Lan”, tác giả viết về cuộc gặp gỡ tình cờ hay là mối duyên kỳ ngộ giữa một cô thôn nữ ở nương dâu với vua Lý Thánh Tông. Phần viết về công chúa Lê Ngọc Hân tập trung vào chi tiết vua Quang Trung từ Thăng Long lệnh đưa cành đào hỏa tốc về Phú Xuân tặng cho Bắc cung hoàng hậu.

bia-2.jpg
Bìa cuốn “Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ”.

Cuốn sách được Giáo sư chọn lối viết tường minh, cụ thể với ngôn từ hiện đại, nhiều chỗ giọng văn pha màu sắc hài hước, đúng như phong cách ông vẫn thể hiện trong các cuộc nói chuyện về lịch sử, để góp phần xóa đi định kiến kể chuyện về lịch sử thường khô khan.

Thực ra, bộ 3 tập “Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ” hơn 10 năm trước cũng là tập hợp những bài viết trong một chuyên mục trên báo ông cực kỳ tâm đắc. Nhiều năm ông viết cho mục “Người kể chuyện lịch sử” cho các em, ở trên báo Thiếu niên Tiền Phong.

Sau này, theo số liệu công bố của tờ báo thì tổng cộng Giáo sư Lê Văn Lan đã viết 500 bài. Chuyên mục hồi ấy được thực hiện để đưa các kiến thức lịch sử đến cho mọi người bằng những câu chuyện thú vị, hàm súc, không thuyết lý.

Ông kể: “Trẻ em và cả người lớn, đặc biệt là các cô giáo rất thích lối “kể chuyện lịch sử” này. Một lần, tôi là đại sứ thiện chí trong một chương trình đặc biệt, cùng là “đại sứ” với tôi có NSND Lê Khanh ngồi đó giao lưu với các cháu học sinh. Cô Lê Khanh xinh đẹp, tài năng nổi tiếng thế, nhưng bọn trẻ con đã kéo rất đông đến chỗ tôi để hỏi chuyện lịch sử. Lê Khanh “thưa thớt” khách, mới đùa bảo, từ sau em không đi với thầy nữa”.

Đến với sử học một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Năm 1956, hai năm sau hòa bình, Nhà nước mở một lúc 5 trường đại học: Tổng hợp, Bách khoa, Nông lâm, Sư phạm, Ngoại ngữ. Giáo sư Lê Văn Lan ghi tên vào Trường Đại học Tổng hợp và học khoa Văn. Lúc ấy cả trường chỉ có 4 khoa: khoa Văn, khoa Sử là 2 khoa độc lập, còn 2 khoa kép Toán - Lý, Hóa - Sinh. Giáo sư Trần Đức Thảo từ Pháp về làm Chủ nhiệm khoa Sử, chủ nhiệm khoa Văn là Giáo sư Đặng Thai Mai.

Ông kể, nghe tên của Giáo sư Trần Đức Thảo thì rất muốn vào học, nên ông đã quyết định học cả Văn lẫn Sử. Lúc ấy khoa Sử có nhiều giáo sư giỏi, cổ sử thì có Giáo sư Đào Duy Anh, sử thế giới có Giáo sư Phạm Huy Thông vừa mới ở Hải Phòng lên Hà Nội, lịch sử hiện đại là Giáo sư Trần Văn Giàu. Bên khoa Văn là các Giáo sư Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu.

Tốt nghiệp đại học, Giáo sư Lê Văn Lan về Viện Sử (khi đó còn là Ban Văn Sử Địa) từ những ngày đầu tiên và gắn bó cả đời với nghiên cứu cổ sử.

Khi được hỏi về những việc ông hài lòng nhất trong cuộc đời làm khoa học, ông cho là có 2 việc. Thứ nhất là phương pháp làm sử, ông không chỉ bám vào thư tịch mà là người đưa ra phương pháp tổng hợp, vẫn dựa vào thư tịch nhưng phải đưa vào cả khảo cổ, văn hóa dân gian...

“Về mặt phương pháp tôi là người đề cao phương pháp tổng hợp và từ phương pháp này tôi đã ứng dụng vào đợt nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và góp phần đưa nó trở thành hiện thực, đưa vào sách giáo khoa, đền thờ, bia bảng. Tôi nghĩ nhờ phương pháp tổng hợp ấy mà chứng minh được Hùng Vương là có thực” - Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ.

Việc thứ hai, Giáo sư Lê Văn Lan tự nhận ông là người kiên trì với quan điểm không chính trị hóa lịch sử. “Lịch sử là cơ thể hồng hào chứ không phải là bộ xương. Tôi là người kể sử, bằng cách kể chuyện lịch sử tôi muốn chứng minh lịch sử là cơ thể hồng hào. Cuốn sách "Kể chuyện lịch sử cho tuổi thơ", NXB Giáo dục đã in đến lần thứ 8 rồi”.

Nhân dịp cuốn sách mới được in, Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ về việc dạy và học sử. Theo ông, giáo dục lịch sử trước hết là cho học sinh rồi sau đó là cho mọi người dân trong xã hội. Nhưng việc dạy sử ngay từ trong nhà trường đã chưa thành công. Nguyên nhân đầu tiên là việc xây dựng chương trình. Từ lâu chúng ta làm chương trình giáo dục bộ môn lịch sử theo quan điểm, theo cách nhìn rằng đây là một vấn đề của hệ tư tưởng chứ không phải của một bộ môn khoa học. Trong khi lịch sử là một bộ môn khoa học, thậm chí nó còn là nghệ thuật, là văn học, văn hóa nữa.

Đầu tiên đã có một quan điểm không đúng thành ra mới làm ra một chương trình giáo dục lịch sử như là một công cụ để làm công tác tư tưởng, giáo dục tư tưởng cho trẻ con, như thế là lệch, cái lệch đầu tiên. Từ cái lệch đầu tiên về quan niệm thì sẽ tất yếu dẫn đến cái việc thứ hai là biên soạn sách giáo khoa. Sách giáo khoa cũng chỉ là công cụ của cái quan niệm đầu tiên. Là sách để minh họa cho việc giáo dục tư tưởng chứ không phải là sách để dạy khoa học lịch sử, tức là có cả khoa học, nghệ thuật, văn học và văn hóa.

Cái thứ ba, là với các thầy cô dạy phổ thông, tư chất của người dạy lịch sử là không có nhiều kiến thức lắm về lịch sử do đó họ cứ bám vào sách giáo khoa. Như vậy là trẻ con bị nhồi nhét chương trình, sách giáo khoa và cuối cùng là “hưởng thụ” sự truyền đạt của các thầy các cô lệ thuộc vào chương trình, sách giáo khoa ấy.

“Tôi vẫn cho rằng lịch sử phải được dạy như một bộ môn khoa học, thậm chí nó còn là nghệ thuật, văn hóa nữa. Chúng ta không nên phàn nàn chuyện giới trẻ ngày nay không thích lịch sử mà nên xem lại chương trình dạy môn Lịch sử. Việc đầu tiên là xây dựng chương trình.
Rồi khi dạy lịch sử trong nhà trường thì trước hết phải dạy cho học sinh như một môn khoa học, trong đó có cả văn hóa, cả nghệ thuật, cả văn học. Tôi là người đi kể chuyện lịch sử, người ta gọi tôi là người kể sử và khi tôi kể sử thì tôi thấy các cháu rất thích thú.”

GS Lê Văn Lan

CẨM THÚY