TP HCM: Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi số
Những năm gần đây, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh và mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
Nhu cầu khách quan, thực tiễn
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác số hóa các dữ liệu chính của các Hợp tác xã (HTX) phần lớn mới chỉ mang tính chất số hóa thông tin, chuyển các tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử. Tuy nhiên, phần lớn các HTX hiện nay hoạt động chủ yếu theo phương thức truyền thống, làm việc trực tiếp mà chưa triển khai thực hiện từng bước số hóa quy trình nghiệp vụ nhằm hướng tới chuyển toàn bộ các hoạt động thực tiễn lên không gian mạng.
Bên cạnh đó, nhận thức của HTX về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế và thành viên, người lao động trong HTX cũng còn nhiều điều chưa rõ về nhận thức đối với chuyển đổi số. HTX còn nhiều hạn chế, thiếu các kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin.
Chi phí đầu tư cho các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số và duy trì vận hành còn khá cao đối với HTX khiến vấn đề này trở thành thách thức lớn đối với các HTX có quy mô nhỏ, nguồn vốn cho đầu tư, kinh doanh hạn hẹp, nguồn nhân lực tại chỗ của các HTX hầu hết không đáp ứng được những điều kiện về kỹ năng số do phần lớn chưa được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số, nhân lực còn thiếu hiểu biết các biện bảo vệ trên nền tảng số, không gian mạng đối với các vấn đề liên quan tới tính bảo mật thông tin, an ninh, an toàn trong quá trình chuyển đổi số, có thể bị lợi dụng, tấn công bởi tội phạm mạng;…đối với những dữ liệu có được khi thực hiện các quy trình số hóa, ứng dụng nền tảng công nghệ trong quá trình tổ chức hoạt động.
Các giải pháp
Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số thông qua việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM đã xây dựng kế hoạch Hỗ trợ chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn trong năm 2023.
Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động liên hệ, phối hợp Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - CDIT tổ chức hội nghị vềtuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đại diện các HTX, Liên hiệp HTX và các Doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp có liên kết với HTX trên địa bàn TP HCM có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hỗ trợ các HTX tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX, góp phần phát huy vai trò trung tâm HTX trong việc tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Căn cứ nhu cầu đề xuất của các hợp tác xã, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - CDIT hỗ trợ công cụ phần mềm chuyển đổi số các hoạt động của các HTX, cụ thể là phần mềm nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc.
Thông qua việc thực hiện các nội dung trên, Chi cục Phát triển nông thôn thành phố đã hỗ trợ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp.Theo đó, trên 20 HTX nông nghiệp trên địa bàn TP HCM được đào tạo, tập huấn, tư vấn, kết nối các giải pháp chuyển đổi số, trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số.
Trước đây, các HTX vẫn loay hoay với chủ đề chuyển đổi số và áp dụng thương mại điện tử. Đồng thời, cũng không biết đến các đơn vị hỗ trợ, cung cấp các phần mềm hỗ trợ hoạt động của HTX liên quan đến chuyển đổi số, thương mại điện tử. Tuy nhiên, qua hội nghị tuyên truyền và sự kết nối của Chi cục Phát triển nông thôn đã có 10/91 hợp tác xã đã đăng ký nhận hỗ trợ phần mềm AGRINOTE - Nhật kí điện tử và truy xuất nguồn gốc, đây là công cụ hiệu quả giúp các HTX thực hiện quá trình chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Đến nay, đã có 04 HTXkiểu mẫu điển hình đã áp dụng phần mềm trên vào sản xuất như HTX Tuấn Ngọc (mô hình trang trại không người), HTX Nên Ăn, HTX Phước An (truy xuất nguồn gốc), HTX Hải Nông (bán hàng qua hình thức TMĐT). Bên cạnh đó, HTX Tuấn Ngọc đã được đề xuất giải thưởng Bông lúa vàng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Dự kiến, cuối năm 2023, thành phố có khoảng 10 - 15% HTX trên địa bàn ứng dụng các giải pháp, nền tảng số cùng với hình thức thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.