Vì sao học sinh Việt Nam tụt hạng quốc tế?
Kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2022 mà tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố cho thấy, học sinh Việt Nam tụt hạng so với ba lần đánh giá trước.
Cụ thể, trong số 73 nước và 8 vùng lãnh thổ tham gia PISA năm 2022, Việt Nam đứng thứ 31 về toán, 34 về đọc hiểu và 37 về khoa học. Như vậy, xét về thứ hạng, học sinh Việt Nam nằm ở mức trung bình về môn toán, nhưng dưới trung bình ở môn đọc hiểu và khoa học. Đây là kết quả xếp hạng thấp nhất kể từ khi Việt Nam tham gia xếp hạng PISA từ năm 2012. Phân tích kỹ hơn, so với kỳ đánh giá gần nhất, điểm toán trung bình của học sinh Việt Nam giảm 27 điểm, đọc hiểu giảm 43 điểm và Khoa học tụt 71 điểm.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng giảm điểm này được cho là tác động của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là xu hướng chung của kết quả PISA 2022, thậm chí các nước trong khối OECD còn giảm "chưa từng có", theo đánh giá của báo cáo. Học sinh các quốc gia OECD giảm trung bình 15 điểm toán, 11 điểm đọc hiểu và 2 điểm khoa học.
Kỳ đánh giá PISA 2022 có gần 700.000 học sinh đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây là chương trình đánh giá học sinh quốc tế được xây dựng và điều phối bởi OECD từ cuối thập niên 1990 và hiện vẫn diễn ra đều đặn theo chu kỳ ba năm một lần. Khảo sát PISA đánh giá học sinh ở độ tuổi 15, thấp nhất từ lớp 7 trở lên, độ tuổi được xem là kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Đây là một cuộc khảo sát theo độ tuổi, không theo cấp bậc hoặc lớp học. Cuộc khảo sát nhằm đánh giá học sinh đã được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức của cuộc sống xã hội hiện đại ở mức độ nào trước khi bước vào cuộc sống.
Với ý nghĩa cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà giáo dục, hoạch định chính sách cho hệ thống giáo dục, kết quả PISA 2022 đặt ra những vấn đề cho giáo dục Việt Nam hiện nay.
Theo GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, kết quả này cho thấy một thực tế trong 2 năm dịch bệnh Covid -19, mặc dù chúng ta vẫn duy trì việc dạy học song khó tránh khỏi có những tác động đến chất lượng dạy học. Đặc biệt việc kiểm tra đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập khó duy trì được như học trực tiếp thông thường, từ đó dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả chung của học sinh.
Kết quả xếp hạng cho thấy, nhóm 25% học sinh có kết quả cao nhất và 25% thấp nhất của Việt Nam chênh nhau 78 điểm. Số điểm này tương đương 2 năm rưỡi học tập.
“Đây là một khoảng cách điểm lớn, chúng ta cần phải làm rất nhiều để có thể thu hẹp” – GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.
PISA không mang ý nghĩa để các quốc gia cạnh tranh với nhau. Kết quả khảo sát cho thấy học sinh Việt Nam đang có điểm mạnh và điểm yếu nào cần phát huy hay cải thiện. Tương tự, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không nhằm xếp hạng các địa phương, các trường mà đánh giá việc dạy và học sau 12 năm phổ thông, để các nhà hoạch định chính sách căn cứ vào đó đề xuất những giải pháp phát triển tốt hơn nền giáo dục nước nhà.
Với định hướng phát triển năng lực người học, học không chỉ để biết mà còn phải vận dụng vào cuộc sống, công việc, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã và đang có những thay đổi nhằm cụ thể hóa mục tiêu này. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT về bản chất là là một phần trong việc đánh giá, giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu chương trình đề ra. Trong suốt quá trình học tập, mục tiêu này vẫn đang được hệ thống giáo dục cụ thể hóa trong mỗi tiết dạy, bài học.
Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có lộ trình, mô hình và cách thi như Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố và sẽ ổn định đến năm 2030, theo hướng hoàn thiện dần.
Về phương án thi cụ thể, ông Khánh cho biết Bộ đang cùng các chuyên gia thử nghiệm ở các nơi và lắng nghe ý kiến phản hồi. Việc này đang được tiến hành từng bước rất thận trọng, có tính khoa học, có trí tuệ tập thể. Trong thời gian tới, Bộ sẽ công bố một cấu trúc định dạng đề thi phù hợp để giáo viên, học sinh có sự chuẩn bị.