Văn hóa

Thời trang và dấu ấn văn hóa

Phạm Sỹ 08/12/2023 08:13

Mỗi nhà thiết kế, mỗi thương hiệu mang phong cách riêng nhưng đều có điểm chung là tình yêu với văn hóa dân tộc.

anh-bai-tren-ben-phai.jpg
Những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Ảnh: P.Sỹ.

Nhà thiết kế trẻ Hạ Vy đến từ Trường Đại học Hòa Bình, chủ nhân của bộ sưu tập lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Lặng lẽ Sa Pa” của tác giả Nguyễn Thành Long, chia sẻ, trong tác phẩm có hai vấn đề chính, đó là nét đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của con người. Ở vẻ đẹp thiên nhiên, Hạ Vy đã đưa vào phần đính kết và họa tiết trang trí, còn vẻ đẹp con người thì khai thác để làm định hướng phong cách của bộ sưu tập.

Bà Hoàng Thị Oanh - Trưởng khoa Thời trang Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương cho biết, thiết kế lấy ý tưởng từ trang phục dân tộc là một trong những chủ đề mà sinh viên rất thích, vì bản thân màu sắc, họa tiết đã lôi cuốn rồi.

Còn nhà thiết kế Lê Hà - giảng viên khoa Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Chúng ta sẽ cảm thấy những sản phẩm sáng tạo từ văn hóa, cảm thấy yêu thương nó, cảm thấy tự hào về dân tộc mình, cảm thấy trân trọng. Giao thoa giữa hàng hóa và thương mại phát triển sẽ dẫn đến kinh tế phát triển. Việc phát triển văn hóa sẽ tạo lợi ích chung cho cả cộng đồng và cho nền kinh tế xã hội”.

Ứng dụng di sản văn hóa vào thiết kế thời trang đã trở thành một xu hướng. Được biết, hiện nay, nhiều trường đào tạo về thiết kế thời trang đã dành hẳn ra một học phần khai thác các chủ đề này. Đây là tín hiệu vui. Từ đó, tạo cơ hội cho văn hóa và di sản tiếp tục được đồng hành cùng với thế hệ trẻ. ThS Nguyễn Trí Dũng - Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thời trang Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống. Ngay trong quá trình đào tạo tại các trường, đã có những chủ đề, nguồn cảm hứng được đưa ra để sinh viên khai thác. Từ đó thời trang mang đậm yếu tố lịch sử và dấu ấn mà cha ông để lại. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Huệ - Trưởng khoa Thời trang Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, trong quá trình đào tạo nhà trường luôn đề cao việc gìn giữ tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Bắt đầu mỗi khóa học chúng tôi đều có những buổi họp chuyên môn định hướng cho năm học mới rút kinh nghiệm so với năm học cũ để làm sao ở năm học mới. Từ đó đem đến những bộ sưu tập có sử dụng những yếu tố kỹ thuật truyền thống nhưng phù hợp với xu hướng hiện đại - bà Huệ cho biết.

Văn hóa dân tộc là nguồn vốn vô cùng phong phú, đây là di sản chung nhưng người làm thiết kế trang phục cần phải nghiên cứu rất kỹ các yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố lịch sử, tìm hiểu điều gì là cấm kỵ, điều gì nên khai thác và phát triển ở thời trang. Để từ đó, những câu chuyện về di sản, về văn hóa bản địa theo ngôn ngữ thiết kế đến được với công chúng một cách đa dạng và hấp dẫn.

Phạm Sỹ