Sức khỏe

Bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm

Dương Toàn 08/12/2023 10:59

Những ngày qua, các hệ thống quan trắc chất lượng không khí liên tục đưa ra cảnh báo về các chỉ số ô nhiễm của Hà Nội ở mức nguy hại cho sức khỏe.

bai-chinh.jpg
Ô nhiễm khói bụi tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Hà Nội luôn nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp nhiều lần giới hạn cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thống kê từ ứng dụng hiển thị chất lượng bầu không khí AirVisual, trong 19 ngày (từ ngày 18/11 đến 7/12), chỉ có 2 ngày, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội ở mức trung bình là ngày 1 và 6/12 khi trời chuyển mưa, 18 ngày còn lại đều được cảnh báo có chỉ số ô nhiễm ở mức đỏ - mức có hại cho sức khỏe.

Theo WHO, ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.

Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Theo lý giải từ giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó, 2 nguyên nhân chính đó là nguồn thải và thời tiết. Ở nguồn thải, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.

Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc hiện đang bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Vệ sinh mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Nên hạn chế mở cửa ở thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí…

Dương Toàn