Chặn “xe dù” cuối năm
Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), cả nước hiện có khoảng gần 400.000 xe ô tô kinh doanh vận tải khách, trong đó có khoảng 220.000 xe hoạt động theo hình thức xe hợp đồng. Tuy nhiên, ở đây cũng lại “có vấn đề”.
Nhằm chặn tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy nghênh ngang trên các tuyến phố, không từ cả việc “chui” vào các ngõ ngách, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất buộc xe loại hình này phải vào bến để đón trả khách. Đáng chú ý, với hợp đồng cá nhân (xe hợp đồng đang chạy trá hình tuyến cố định) sẽ thực hiện đón, trả khách tại bến xe hoặc địa điểm do UBND cấp tỉnh công bố.
Cũng theo Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện khoảng 60.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định.
Gần đây, Bộ GTVT cùng một số địa phương (trong đó có Hà Nội và TPHCM) đã tiến hành kiểm tra, rà soát các đơn vị không kinh doanh vận tải. Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các địa phương tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, chú trọng kiểm tra đối với phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra, xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định.
Với Hà Nội, Sở GTVT vừa quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với 6 đơn vị. Ngoài việc phải nộp lại phù hiệu trong vòng 7 ngày, cơ quan chức năng còn yêu cầu 6 đơn vị này phải dừng ngay việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải khách du lịch bằng ô tô.
Còn tại TPHCM, cơ quan chức năng đã thu hồi giấy phép của 21 nhà xe.
Thực tế cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách. Đáng ngại nhất là sau những đợt kiểm tra đột xuất lẫn định kỳ, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, tai nạn giao thông vẫn xảy ra liên quan đến xe kinh doanh vận tải hành khách. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho rằng, quy định hiện hành có lỗ hổng dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh vận tải không sợ. Còn ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng GTVT cho rằng cần rà soát lại quy định pháp luật, sửa đổi ngay, tăng chế tài, phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để nhân viên lái xe vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.
Năm hết Tết đến, người đi lại nhiều, giao thông đường bộ sẽ phức tạp hơn. Trong đó vận tải hành khách cả tuyến ngắn lẫn dài thì cũng đều gia tăng lượng xe cộ và người đi lại. Việc tăng cường kiểm tra của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông là rất cần thiết. Cùng đó, là trách nhiệm của nhà xe, chủ xe, lái xe. Nếu như việc kiểm tra gắt gao nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đã làm giảm các vụ tai nạn, thì từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán cũng rất cần một đợt “ra quân” mạnh mẽ. Cần xử lý nghiêm những lái xe chở khách giành đường, “cướp” đường; xe “dù”, xe hợp đồng trá hình. Vì đây cũng là thời điểm tăng tốc “làm ăn” của nhà xe, chủ xe, lái xe, tư đó dễ dẫn đến những kết cục đau lòng.
Cuối năm tất bật, nhưng cũng thể vì thế mà khiến cho việc đi lại trở nên rủi ro.