Để không còn những mùa cam “đắng”
Sau thời gian tăng diện tích ồ ạt, 2 năm trở lại đây nông dân trồng cam cành ở ĐBSCL liên tiếp gặp cảnh rớt giá, thua lỗ nặng. Từ loại cây mang lại nguồn lợi kinh tế thì nay cây cam trở thành nỗi buồn của không ít hộ gia đình. Có lẽ đây không chỉ là câu chuyện của quả cam, mà là nỗi lo đầu ra của nhiều loại nông sản ở ĐBSCL.
Cung vượt cầu, giá cam rẻ như cho
Theo các nhà vườn ở Vĩnh Long, giá cam sành tại vườn hiện đang rớt thê thảm, còn 2.500-4.000 đồng/kg. Thậm chí, có nơi thương lái mua cam theo vườn với giá rẻ bèo. “Thương lái kỳ kèo, cam đẹp thì mua giá 2.500 đồng/kg, nhưng cam của tôi lỡ vụ, chín vàng nên thương lái trả còn 2.000 đồng/kg. Vậy mà còn chưa bán được” - ông Nguyễn Thanh Kỳ (người dân ở huyện Trà Ôn) nói.
Trong khi đó, các thương lái cho biết, từ nay đến cuối năm, giá cam sành khó có thể cải thiện bởi thị trường các tỉnh phía Bắc đang bước vào mùa lạnh, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Họ chỉ mua đi bán lại cầm chừng.
Tình trạng cam sành rớt giá khiến nông dân thua lỗ diễn ra vào khoảng 2 năm trở lại đây. Giá cam sành những năm 2015- 2020 luôn ở mức cao, đặc biệt trong mùa nghịch, giá cam có thể đạt mức 13.000- 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, cây cam từng là loại cây làm giàu cho nhiều nông dân ở Vĩnh Long.
Lợi nhuận hấp dẫn khiến nhiều nông dân ồ ạt chuyển sang trồng cam, diện tích cam tăng chóng mặt. Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong 10 năm qua, diện tích trồng cam (chủ yếu là cam sành) ở ĐBSCL đã tăng từ 29,5 nghìn ha lên 36,6 nghìn ha. Sản lượng cam tăng từ 356,9 nghìn tấn lên 1154,9 nghìn tấn. Trong đó, diện tích cam sành tập trung chủ yếu tại tỉnh Vĩnh Long.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh diện tích trồng cam tăng, việc nông dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nên năng suất cam sành không ngừng cải thiện, tăng từ 36,6 tấn/ha (năm 2019) lên 44,1 tấn/ha (năm 2023). Cá biệt có nhiều vườn cho năng suất gần 100 tấn/ha. Do đó, sản lượng cam sành tại địa phương đã vượt 900.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa trong khi đó, cung vượt cầu đã đẩy giá cảm giảm sâu.
“Diện tích cam sành của huyện Trà Ôn tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022, do người dân tự phát chuyển đổi trồng trên đất lúa, dù ngành chức năng từng khuyến cáo về vấn đề này. Ngoài ra, các tỉnh trong cả nước đều có thể trồng được cam dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá cam sành rớt thê thảm, nông dân trồng cam thua lỗ nặng” - ông Tám thông tin.
Cần xóa bỏ sản xuất manh mún
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tìm hướng đầu ra cho sản phẩm là việc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn luôn thực hiện cho tất cả các loại cây trồng chứ không riêng gì cây cam. Tuy nhiên, để trái cam xuất khẩu tốt, sản phẩm cần đạt các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia nhập khẩu. Hiện nay, nhiều người nông dân mới chỉ chú trọng đến sản lượng chứ chưa chú trọng chất lượng, dẫn đến đầu ra gặp khó.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Đặng Kim Sơn - chuyên gia chính sách nông nghiệp của Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp cho hay, không riêng cam sành mà thời gian qua ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung luôn luôn vấp phải tình trạng một cây trồng cho dù có lợi thế, có thị trường, nhưng sau một thời gian phát triển ồ ạt thì rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, đứt gãy thị trường và giá tụt xuống. Nông dân chịu rủi ro nhiều nhất.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo tôi có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nông dân sản xuất quá nhỏ lẻ, manh mún, các hộ gia đình không có liên kết, tổ chức với nhau trong các hợp tác xã, các tổ chức hiệp hội để bảo vệ nhau, thống nhất với nhau về quy hoạch, về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Chưa liên kết được với thị trường, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường. Ví dụ như số hoá vùng trồng, cung cấp được số liệu xuất xứ hàng hoá đảm bảo được chất lượng, tiêu chuẩn. Do không liên kết, nông dân không có được sức mạnh đàm phán với các thương lái, các đại lý. Ngoài ra, do trồng tự phát nên thiếu quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Mặc dù chúng ta đã có chiến lược lớn chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng tổ chức điều hành vẫn chưa tốt. Ví dụ cam sành là lợi thế ở ĐBSCL nhưng hiện nay vẫn phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác cũng trồng cùng lại cây mặc dù chất lượng khác nhau. Do đó, cung vượt cầu làm cho giá cam rớt thê thảm và người nông dân thua lỗ” - TS Đặng Kim Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện Việt Nam chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường để theo dõi tình hình cung cầu trên thế giới và trong nước nhằm kịp thời cảnh báo, dự báo cho bà con nông dân. Cho nên mới có câu chuyện rớt giá của trái thanh long, dưa hấu, rồi bây giờ đến cam. Sắp tới rất có thể là sầu riêng, bơ nếu chúng ta vẫn tăng diện tích trồng, thiếu quy hoạch.
“Một điểm nữa, hệ thống logistics (vận chuyển, kho lạnh, bến bãi) hầu như chưa có. Người nông dân tự xoay sở với thị trường thông qua hệ thống thương lái và các dịch vụ nhỏ. Vì vậy, khi thị trường chững lại, nông sản tươi không vận chuyển kịp thì chỉ có thể đổ bỏ” - ông Sơn chia sẻ.
Vĩnh Long đang vào vụ thu hoạch rộ cam sành. Theo tính toán của ngành chức năng địa phương, với diện tích cam đang cho trái hiện có, mỗi ngày có đến hàng nghìn tấn cam được các nhà vườn bán ra cho thương lái. Tuy nhiên, giá cam rớt thảm hại, có vườn thương lái thu mua chỉ 1500đ/kg.