Quảng Ninh: Khắc phục những yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 8/12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, tính đến ngày 5/12, vốn giải ngân đạt 8.478,2 tỷ đồng, đạt 61,4% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm (13.822 tỷ đồng), đạt 58,2% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh (14.567 tỷ đồng). Dự kiến, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo văn bản cam kết của 25 chủ đầu tư (12 đơn vị của tỉnh và 13 địa phương) là gần 13.300 tỷ đồng, đạt 96,2% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm.
Về nguyên nhân kết quả đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh năm 2023 không đạt theo kế hoạch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường đã nêu 8 nguyên nhân. Trong đó các nguyên nhân khách quan như: Thiếu nguồn vật liệu san lấp cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường còn mất nhiều thời gian; hầu hết các địa phương chưa có nguồn để thực hiện giải ngân... Về nguyên nhân chủ quan có lý do từ công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tổ chức thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng...
"Công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tiến độ triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm so với tiến độ đề ra làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư…", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Làm rõ thêm nguyên nhân của tình trạng trên, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Bởi hiện nay có rất nhiều các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, yêu cầu phải am hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các sở, ngành thường thiếu tính chủ động để thực hiện các thủ tục này. Nhiều sở, ngành chưa chủ động hướng dẫn mà cán bộ thường chờ cho đến khi có vướng mắc mới vào cuộc và còn tình trạng văn bản “lòng vòng” giữa các sở, ngành; năng lực nhà thầu còn hạn chế, không đáp ứng được các quy định của dự án.
"Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trách nhiệm của ngành Kế hoạch và Đầu tư còn thụ động, thiếu tính kế hoạch, dự báo và các phương án khắc phục còn chậm, thiếu cụ thể. Điều này cho thấy ngành chưa giữ được vai trò tư lệnh trong tham mưu triển khai thực hiện", ông Diện nhấn mạnh.
Giải bài toán thiếu vật liệu san lấp
Về việc thiếu vật liệu san lấp, đại biểu HĐND chất vấn việc một năm trước đây Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu vật liệu san lấp. Tuy nhiên đến nay sau 1 năm thì một trong các nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân, phải gia hạn thời gian thực hiện vẫn là thiếu vật liệu san lấp, điều đó cho thấy việc thực hiện các giải pháp đã báo cáo chưa mang lại kết quả cụ thể. Đồng thời một số ý kiến cử tri hiện nay băn khoăn cho rằng, tại địa bàn như tỉnh Quảng Ninh, việc thiếu nguồn vật liệu san lấp là chưa thỏa đáng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn để cấp phép các mỏ đất. Tuy nhiên có mỏ đất rồi lại vướng đến đường vận chuyển. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép cấp phép công trình tạm để vận chuyển đất nhằm tháo gỡ vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Đuyến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cung cấp thêm thông tin: Khi có mỏ đất thì các chủ mỏ và các nhà thầu san lấp lại có tranh chấp trong việc vận chuyển. Có chủ mỏ yêu cầu nhà thầu phải "nhường" khâu vận chuyển thì mới cấp đất... Ban đã phải có thông báo với chủ mỏ việc lấy đất là do nhà thầu, nếu chủ mỏ can thiệp vào vấn đề chở đất của các nhà thầu trúng thầu thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra.
Xem xét trách nhiệm của người đứng đầu
Về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đầu tư công không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội. Song nhìn tổng thể, 3 năm nay phải nhận thức rõ những hạn chế mới nổi đã được nêu ở trên. Đây là lĩnh vực được cử tri, nhân dân quan tâm và đưa ra bàn rất nhiều trong các Kỳ họp.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Những dự án xác định phải hoàn thành trong năm 2023 thì phải tập trung biện pháp thực hiện bằng được mục tiêu chung đó. UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước tỉnh nội dung này.
Đối với kế hoạch năm 2024, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là hậu kiểm để xử lý nghiêm những vi phạm, kiên quyết không để nảy sinh tình trạng đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn, gắn trách nhiệm người đứng đầu.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh phải: Kiên quyết có giải pháp khắc phục tình trạng lựa chọn đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế, lập dự án, lập kế hoạch đấu thầu không có năng lực dẫn đến tính toán tổng mức đầu tư không phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định; chất lượng thiết kế không đảm bảo, lập dự toán không đúng mức, đơn vị lập kế hoạch đầu tư không đúng quy định, trình tự, lựa chọn đơn vị nhà thầu không có uy tín, năng lực. Khắc phục bằng được tình trạng lập kế hoạch đầu tư công mà chưa có những căn cứ vững chắc và phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm công tác GPMB, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để không gây trì trệ, trì hoãn việc triển khai trên công trường, dẫn đến các nhà thầu lợi dụng việc không có mặt bằng để kéo dài thời gian thi công và lợi dụng vốn ngân sách nhà nước ứng trước khi trúng thầu, sử dụng vốn sai mục đích.