Xã hội

TP HCM: Phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP ‎tại huyện Cần Giờ

N.Tâm – V.Phong 06/12/2023 16:04

Trong thời gian gần đây, ngành du lịch Cần Giờ có tốc độ tăng trưởng về khách du lịch khá cao so với tăng trưởng về khách du lịch chung của TP HCM.

Trong giai đoạn từ 2013 – 2022, khách du lịch đến Cần Giờ tăng trung bình 24,9%/năm, trong khi đó tỷ lệ khách du lịch đến TP HCM tăng bình quân 6,5%/năm; Doanh thu của ngành du lịch ngày càng tăng, đóng góp cho kinh tế Cần Giờ đạt 8.112 tỷ đồng, trung bình tăng 32,2%/năm. Ngành du lịch của Cần Giờ ghi nhận sự phát triển vượt trội, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác. Xây dựng các mô hình du lịch mới, phát huy giá trị văn hóa, sản phẩm đặc trưng để hình thành các điểm du lịch phong phú, làm tăng giá trị sản phẩm du lịch của địa phương như tuyến Du lịch cộng đồng tại xã đảo Thạnh An và Thiềng Liềng, du lịch sinh thái nhà vườn tại Cần Thạnh, du lịch làng nghề làm muối truyền thống Lý Nhơn. Tham quan, tìm hiểu đời sống của người dân giữ rừng, trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt thường ngày, hoạt động sản xuất dưới tán rừng của hộ dân tại Khu du lịch sinh thái Dần Xây…

436-202312081449241.jpg
Du khách trải nghiệm câu cá sấu tại Cần Giờ.

Cần Giờ đang triển khai công tác kết nối để đưa mô hình du lịch sinh thái nhà vườn vào khai thác, đồng thời nhân rộng mô hình này để đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn.

Huyện đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP), đồng thời xây dựng kế hoạch để đưa các điểm du lịch sinh thái Dần Xây, khu du lịch Vàm Sát và khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, làm cơ sở để gắn kết du lịch với việc quảng bá, tăng giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.

N.Tâm – V.Phong