Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII: Nóng về các dự án chậm tiến độ
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, ngày 8/12, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nóng về các dự án đầu tư công chậm tiến độ.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Cao Phúc và ông Nguyễn Tấn Đức điều hành phiên chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Quảng Ngãi về việc phân bổ kế hoạch đầu tư công hằng năm của kỳ trung hạn 2021-2025 có hơn 10 dự án chuyển tiếp của tỉnh với số vốn ngân sách đã phân bổ không nhỏ, nhưng chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án và gây bức xúc trong nhân dân. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở KHĐT cho rằng, các dự án chuyển tiếp chủ yếu ở Khu kinh tế Dung Quất và TP Quảng Ngãi được bố trí vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên nhưng vẫn chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành.
Ngoài các nguyên nhân khách quan chính kéo dài nhiều năm như: các quy định pháp luật, chính sách chưa đồng bộ; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng,… vẫn còn những nguyên nhân chủ quan đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Cụ thể như: Năng lực của chủ đầu tư, ban Quản lý dự án và nhà thầu còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến phải tổ chức điều chỉnh, bổ sung nhiều lần nên ảnh hưởng đến tiến độ;…
Ông Nguyễn Văn Trọng cho hay, trách nhiệm trong việc chậm trễ này thuộc về chủ đầu tư - ban quản lý dự án, tổ chức làm công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, trong đó có chính quyền địa phương.
Còn đại biểu Lê Hoàng Quân cũng đặt các câu hỏi: Sở KHĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc? Trong năm 2023 có thực hiện rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình đối với các dự án chậm tiến độ nhiều năm của tỉnh hay chưa?
Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để khắc phục các tồn tại, trong thời gian đến, các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết cho từng dự án như: tiến độ theo tuần, tháng để tổ chức triển khai; chủ động, quyết liệt chỉ đạo và cử cán bộ thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo mặt bằng thi công theo đúng kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Trọng, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án kéo dài nhiều năm; trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, thống nhất tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án, đối với các trường hợp cố tình cản trở thì cương quyết hoàn thiện hồ sơ pháp lý, lập thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định.
Làm rõ thêm các vấn đề đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi và cử tri quan tâm liên quan đến các dự án chậm tiến độ, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, qua rà soát toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều bị chậm tiến độ. Đây là tình trạng chung của các địa phương trong cả nước, không riêng gì tỉnh Quảng Ngãi kể cả các dự án đầu tư công và đầu tư.
Nguyên nhân chính là do vướng mắc về thể chế pháp luật chưa được tháo gỡ. Cụ thể, chưa tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư xây dựng. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất, làm ảnh hưởng lớn nhất làm chậm tiến độ của các công trình, dự án. Vì khi duyệt dự án, có cả nhiệm vụ xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng cần có quỹ thời gian hợp lý; trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, chưa có khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.