Giáo dục

Quảng Ninh: Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất phục vụ giáo dục

Nguyễn Quý 08/12/2023 18:34

Thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất là 2 vấn đề được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm đặt ra cho người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV.

Thiếu giáo viên ở các cấp học, các địa phương

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy đã lý giải về về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; cơ sở vật chất ở một số trường học được đầu tư đã lâu, đến nay không đảm bảo theo quy định và các giải pháp của ngành; thực trạng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn thiếu và yếu.

Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, đến nay còn 171 trường (27,4%) đã quá hạn công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia; 61 trường (9,78%) chưa được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; 8/14 trung tâm GDNN-GDTX chưa được đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT nêu thực trạng, việc thiếu giáo viên hiện nay là khó khăn rất lớn của ngành. So sánh với quy mô số lớp và định mức biên chế, năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục thiếu 2.579 người làm việc, trong đó thiếu 1.737 giáo viên, thiếu ở tất cả các địa phương, thiếu ở tất cả các cấp học.

Còn về việc số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu, Giám đốc Sở GD&ĐT đã đưa ra giải pháp khắc phục: Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, các trường đại học tăng cường đào tạo để có thể cung cấp đủ nhu cầu về đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Đồng thời, tiếp tục đào tạo lại, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ hiện có trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh giải trình làm rõ chất vấn. Ảnh: QMG

Về vấn đề thiếu giáo viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, đáp ứng yêu cầu hiện nay, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tự chủ cho 181 trường đủ điều kiện với số người làm việc 8.196 người. Trong đó, số giáo viên hưởng lương từ ngân sách là 6.059 người, số còn lại do các địa phương và trường tự chủ. Do đó, các địa phương phải tổ chức thi tuyển giáo viên hợp đồng đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Chủ tịch UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thi tuyển giáo viên.

Học "chay" do chậm mua sắm thiết bị

Bên cạnh các câu hỏi chất vấn của đại biểu, qua công tác giám sát của HĐND tỉnh và theo dõi ý kiến của cử tri và nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT làm rõ vấn đề: Có hay không tình trạng dạy và học tin học “chay”?

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy trả lời chất vấn.

Về với vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Môn Tin học trước đây là môn học tự chọn, hiện tại là môn học bắt buộc. Vì vậy, để phục vụ các môn học bắt buộc, phải thực hiện quy trình tuyển giáo viên và mua sắm trang thiết bị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị còn chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ dạy và học. Chính vì vậy, việc dạy và học tin học “chay” hiện vẫn còn là vấn đề tồn tại.

Lý giải thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin: Từ năm 2021, theo phân cấp, việc mua sắm trang thiết bị giáo dục của cấp học mầm non, TH và THCS thuộc về Chủ tịch UBND các địa phương. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 3 địa phương thực hiện được việc mua sắm, các địa phương còn lại chưa triển khai.

Đến năm 2022, từ đề nghị của UBND các địa phương, tỉnh đã thực hiện mua sắm tập trung nhằm đảm bảo đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, UBND tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ đấu thầu mua sắm thiết bị trường học cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến 20/10/2023, mới đấu thầu thành công. Hiện nay đã có 346 trường thực hiện ký hợp đồng mua sắm với 32 tỷ đồng, nhưng chỉ sấp sỉ bằng 1/3 tổng nhu cầu mua sắm (hơn 100 tỷ đồng).

“UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các địa phương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi xây dựng dự toán, đồng thời phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bổ sung nhu cầu mua sắm, đảm bảo hoàn thành mua sắm trong quý I/2024”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu ngành Giáo dục cần phải đề xuất có cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tập trung tuyển đủ số lượng biên chế chưa tuyển.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ đạo các ngành chức năng cần phải bố trí nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất để đảm bảo đến năm 2024 có số trường đạt chuẩn quốc gia trên trên 91%. Bên cạnh đó, chương trình đầu tư cơ sở vật theo hướng chất lượng cao phải tiếp tục được thực hiện trên cơ sở kiểm soát tốt đầu ra, đảm bảo tiết kiệm, quy trình thủ tục chặt chẽ…

Nguyễn Quý