Tiêu chí nước sạch cản đích nông thôn mới
Theo kế hoạch, năm 2023 huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) phấn đấu về đích nông thôn mới. Tuy nhiên đến nay, địa phương này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện tiêu chí nước sạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định, mỗi xã phải đạt từ 20 - 25% số người dân được sử dụng nước sạch tập trung thì huyện này khó có thể được công nhận chuẩn nông thôn mới đúng hạn.
Nhà ông Nguyễn Đình Hợp cùng nhiều người dân sinh sống trong thôn Gia Miêu, xã Hà Long (huyện Hà Trung) từ nhiều năm nay đều lấy nguồn nước giếng để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Ông Hợp cho rằng: Nguồn nước ngầm ở đây được thẩm thấu qua các tầng đá ong của quả đồi nên rất trong lành và tinh khiết.
Theo ông Hợp, mới đây cán bộ xã đến vận động đăng ký, đóng góp kinh phí để sử dụng nước từ hệ thống cung cấp nước sạch của nhà máy, nhưng gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong thôn đã từ chối do còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. “Theo cán bộ xã thông báo thì để có nước sạch sử dụng, mỗi hộ phải đóng 5,5 triệu đồng, trước mắt phải đóng 3 triệu đồng để hỗ trợ nhà máy lắp đặt đường ống dẫn nước. Mức chi phí này là quá cao so với điều kiện của người dân ở đây” - ông Hợp nói.
Thôn Gia Miêu có hơn 600 hộ dân (chiếm 1/3 dân số của xã Hà Long), vì kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao của toàn xã, việc vận động người dân sử dụng nước sạch từ hệ thống đã được Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn tích cực đến từng hộ dân để vận động. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có khoảng 5 hộ đồng ý nộp tiền để thi công đường nước.
Ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng thôn Gia Miêu cho biết: Phần lớn người dân đều tính toán, đến khi nào đường nước kéo về đến cổng thì sẽ đóng tiền, nguyện vọng của bà con chỉ có vậy thôi. Theo lộ trình thì chúng tôi đang phấn đấu xây dựng thôn trở thành thôn NTM nâng cao và đây là tiêu chí buộc phải hoàn thành nên thôn đang phải cố gắng nhưng rất khó khăn.
Cũng nói về vấn đề này, ông Bùi Đình Thành - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Long bày tỏ: Toàn xã có 9 thôn thì đến nay mới có 3 thôn được kéo đường ống nước sạch về đến đầu thôn. Điều khiến bà con nhân dân đắn đo, chưa đăng ký nộp tiền, ngoài mức kinh phí khá cao, họ còn nghi ngờ chất lượng nguồn nước. “Vừa qua có tin chất lượng nước từ hệ thống nhà máy tại các xã: Hà Giang, Hà Tân, Hà Tiến rất kém và đã bị thu hồi giấy phép cấp nước. Những thông tin đó cộng với mức đóng góp cao đã khiến người dân dè dặt trong việc đăng ký sử dụng nước sạch” - ông Thành lý giải.
Tình trạng người dân không mấy hào hứng với chương trình nước sạch cũng đang trở thành rào cản “làm khó” cho kế hoạch xây dựng NTM tại xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung. Toàn xã có 7 thôn thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thôn nào sử dụng nước sạch. Ông Nguyễn Thành Chương - Trưởng thôn Bang cho biết, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với nguồn nước sạch vẫn là do số tiền đóng góp ban đầu quá lớn so với điều kiện kinh tế của bà con. “Hiện nay toàn thôn có hơn 100 hộ dân nhưng đến nay mới chỉ có 16 hộ đăng ký sử dụng nước sạch và chưa có hộ nào nộp tiền theo quy định” - ông Chương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: Xã đang đấu nối với công ty cấp nước và họ đã bắt đầu đưa đường ống về đến đầu một số thôn. Yếu tố khó khăn nhất là tìm nhà đầu tư thì đến nay đã có rồi. “Hiện nay chúng tôi đang tập trung cho thôn Đồng Hậu xây dựng NTM kiểu mẫu trong năm nay. Còn lại sẽ triển khai vận động vào năm 2024 và các năm tiếp theo”- ông Thành cho biết.
Còn ông Mai Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại nói: Khi tôi trực tiếp đi vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch, bà con đều ủng hộ rất nhiệt tình. Hiện nay đường ống đã kéo về đến trung tâm UBND xã, sắp tới sẽ triển khai thi công vào các thôn vì huyện đã giao cho chúng tôi phải hoàn thành trước tháng 12/ 2023. Tuy nhiên, để xong trong năm nay là không thể vì khi nói đến đăng ký và nộp tiền, người dân rất e dè.
Có thể thấy, tiêu chí nước sạch đang trở thành rào cản lớn trên hành trình xây dựng NTM tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Để “lách” qua khó khăn này, thậm chí nhiều xã, huyện đã lấy con số người dân đăng ký sử dụng nước sạch vượt mức quy định (thay vì số người dân được dùng nước sạch thực tế) để kịp thẩm định. Và với thực tế như phóng viên đã ghi nhận, có lẽ Hà Trung cũng không là ngoại lệ