Công nghệ

Làm sao tránh bẫy 'tín dụng đen'

LÊ ANH 09/12/2023 11:05

Không chỉ rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” vì vay mượn/giao dịch tiền từ các App tín dụng hoặc tổ chức tài chính không rõ pháp lý, nhiều người thân, bạn bè, gia đình của các nạn nhân cũng bị “khủng bố”, ảnh hưởng về tinh thần, thậm chí “tán gia bại sản” chỉ vì “tín dụng đen”.

anh4.jpg
Một đối tượng bị Công an TPHCM khởi tố, bắt giam để điều tra về tội cho vay lãi nặng. Ảnh: Công an TPHCM.

Túng quẫn làm liều

Đa số các trường hợp người dân trở thành nạn nhân của vấn nạn “tín dụng đen” hầu hết đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn về tài chính, dẫn đến đường cùng phải “làm liều”. Anh Nguyễn Văn Thanh (35 tuổi, nhân viên Công ty bất động sản VietLand, tại quận 1, TPHCM) - nạn nhân của một nhóm hoạt động cho vay “tín dụng đen” cho biết, tháng 10/2023, anh gom góp, vay mượn từ tất cả các nguồn quen biết và người thân nhưng không đủ tiền thanh toán khoản vay tín dụng ngân hàng. Quá bí bách, anh Thanh bàn với vợ liên hệ số điện thoại “đường dây nóng” của một ứng dụng có tên “chovaylaithap” bằng cách nhấp vào một đường link quảng cáo trên mạng. “Họ yêu cầu đơn giản, chỉ cần ảnh chụp hai mặt CCCD, bản sao danh bạ điện thoại cá nhân để xét duyệt. Sau đó, tôi đã vay được 35 triệu đồng, với mức lãi suất 27%/tháng” - anh Thanh nói và cho rằng, dù biết khoản lãi suất tín dụng “nóng” này là rất cao nhưng do thời điểm đó quá túng quẫn tiền bạc nên “làm liều”.

Ông Lâm Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Chế xuất - Công nghiệp TPHCM cho biết, nạn “tín dụng đen” đã len lỏi vào nhiều đoàn viên, công nhân lao động tại đơn vị này với nhiều hình thức hết sức tinh vi. Chẳng hạn, thông qua ứng dụng trên điện thoại (App), qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua mạng xã hội; slogan quảng cáo vay với thời gian ngắn, thủ tục vay đơn giản nhất... Không ít người vay tiền của các tổ chức lừa đảo “tín dụng đen” phải trả góp từ 12-19 ngày liên tiếp số tiền gốc và tiền lãi, với lãi suất rất cao, đã không thể thanh toán được hàng tháng theo thỏa thuận. Hậu quả, đã bị các đối tượng “tín dụng đen” khủng bố đòi nợ kéo dài, không chỉ “tiền mất tật mang”, còn ảnh hưởng đến bạn bè, người thân trong gia đình vì bị lăng mạ, chửi bới.

Tháng 10, 11/2023, Công an TPHCM thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã triệt phá nhiều mạng lưới tội phạm liên quan đến vấn nạn này. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 21 vụ án, 41 bị can với các hành vi cho vay lãi nặng, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản.

Tại Chuyên án 1023V về triệt xóa băng nhóm cho vay nặng lãi do Phạm Thái Minh (SN 1986, trú quận Bình Thạnh) cầm đầu, nhiều chiêu trò lừa đảo nạn nhân sa bẫy “tín dụng đen” đã được chính các đối tượng khai nhận.

Theo đó, để “câu kéo” nạn nhân sa bẫy, nhóm đối tượng sử dụng các trang mạng Facebook, Zalo thường xuyên đăng tin quảng cáo về hoạt động cho vay “nóng”. Riêng Minh đã “thổi” nhiều chính sách cho vay nhanh dưới danh nghĩa Công ty tài chính F86 cho vay tiêu dùng, vay trả góp. Đối tượng cầm đầu này còn đặt ra các slogan rất “kêu”, như “vay vốn trong ngày,” “Alo là có tiền...” kèm theo số hotline để người vay liên hệ. Bằng chiêu trò câu kéo, dẫn dụ này, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, trong đó có người do không trả nợ được đã bị khủng bố cả về thể chất và tinh thần.

Theo cơ quan điều tra, các nạn nhân của băng nhóm cho vay nặng lãi này đã phải chịu mức lãi suất từ 505%/năm đến 805%/năm, cao gấp 20-40 lần so với pháp luật quy định. Đồng thời, nhiều người vay còn bị thu phí dịch vụ từ 2-2,5 triệu đồng tùy vào từng thỏa thuận vay. Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng đã thu lợi bất chính trên 2,8 tỷ đồng.

Cần cơ chế ưu đãi tín dụng

Để tránh trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, bản thân người dân phải cảnh giác, nắm bắt kiến thức pháp luật về hoạt động vay và cho vay của các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp dù biết trước các rủi ro về thiệt hại tài sản của “tín dụng đen” nhưng vẫn bị sa bẫy của tệ nạn này.

Góp ý giải pháp, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho rằng, hiện nay một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các gói tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Thế nhưng, về mặt căn cơ có tính lâu dài, bền vững, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng các gói ưu đãi tín dụng dành cho công nhân, người lao động, hộ nghèo,… Từ thực tế nghiên cứu, TS Trương Thị Minh Sâm đánh giá hiệu quả của mô hình Tổ chức Tài chính vi mô CEP cung cấp các khoản vay nhỏ cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Theo bà Sâm, Nhà nước cần tạo cơ chế, song song với sự phối hợp chặt chẽ giữa các gói tín dụng này và các tổ chức công đoàn cơ sở. Từ đó, đảm bảo cho vay đúng đối tượng đang có nhu cầu, ngăn chặn các hành vi tiêu cực liên quan.

Tại talkshow với chủ đề “Làm sao để không rơi vào bẫy tín dụng đen?” ngày 7/12 tại TPHCM, ông Lương Quốc Cường - Trưởng phòng Quản lý tín dụng Tổ chức tài chính vi mô CEP cũng cho rằng, giải pháp cơ chế, chính sách ưu đãi gói tín dụng cho công nhân, người lao động sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn nạn “tín dụng đen”.

Theo ông Cường, do nhiều người không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, số khác do tâm lý khi vay ngân hàng thì phải làm nhiều thủ tục, mất thời gian hơn nên mới sa bẫy vào các chiêu thức lừa đảo của “tín dụng đen”, vì thế cần khuyến khích hơn nữa nhiều tổ chức tín dụng kể cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong đó, người lao động có thể liên hệ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa phương hoặc liên hệ Quỹ CEP hoặc các tổ chức tín dụng phi lợi nhuận, công ty tài chính, ngân hàng được cấp phép để tránh rủi ro sa bẫy “tín dụng đen”.

Theo Luật sư Vũ Phi Long (Công ty Đông Phương Luật), hiện nay khung pháp lý của pháp luật đã đủ để răn đe các đối tượng cho vay “tín dụng đen”, nhưng điều quan trọng là cần thực hiện song song công tác tuyên truyền để làm sao cho người dân hiểu về bẫy “tín dụng đen” vì một khi đã dính vào thì khó thoát. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định rõ hơn về việc cho vay trong lĩnh vực dân sự; vận động những người có liên quan khi vay tiền phải thông qua công chứng để ràng buộc chặt chẽ hơn.

LÊ ANH