Xã hội

Về Bố Liêu xem chằm nón lá

NGHĨA VĂN 10/12/2023 08:52

Trải qua hàng trăm năm, đến nay người dân tại làng Bố Liêu (xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vẫn duy trì nghề làm nón lá thủ công.

a1.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung chằm nón.

Đầu tháng 12/2023, chúng tôi có dịp về thăm Bố Liêu - một ngôi làng thuộc xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), nơi đã nức tiếng xa gần với nghề làm nón lá.

Theo thông tin từ UBND huyện Triệu Phong, nghề làm nón lá hay còn gọi là chằm nón ở Bố Liêu đã có từ hàng trăm năm trước. Dù là nghề phụ nhưng chằm nón đã mang lại nguồn thu nhập nhất định giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Quanh con đường lớn trong làng, dễ dàng bắt gặp những phụ nữ đang ngồi cạnh cửa chính của ngôi nhà để chằm nón. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (50 tuổi, trú tại thôn Bố Liêu) bật mí, sở dĩ họ ngồi cạnh cửa chính để chằm nón vì nơi đây vừa đủ ánh sáng làm việc, vừa có thể quan sát được người ra vào nhà mình.

a2.jpg
a3.jpg
Qua nhiều công đoạn mới có một chiếc nón thành phẩm.

Bà Nhung cho biết thêm, đến nay, ngoại trừ một số công đoạn như: sấy, ủi lá và chẻ tre làm vành nón đã được “công nghệ hóa” thì những việc còn lại vẫn được người dân thực hiện thủ công. Bà mô tả, thông thường mỗi chiếc nón lá sẽ có 16 vành.

Xong công đoạn xây vành, bà Nhung lấy ra một xấp lá rồi bảo: “Lá làm nón được chia thành lá tra (lá già) và lá non. Lá non lại được chia thành lá đực (sần sùi hơn) dùng làm lớp trong cùng và lá cái (bóng nhẵn hơn) dùng xếp ngoài cùng. Lớp lá tra được xếp ở giữa để tăng độ cứng cáp, bền chắc của nón”.

Sau khi lá được tỉa tót, sắp xếp lại ngay ngắn, bà Nhung dùng kim chỉ nhẹ nhàng cố định một đầu của từng xấp. “Làm mạnh thì dễ bị kim đâm vào tay và nếu không cẩn thận thì lá rách hết”, bà Nhung vừa làm vừa chia sẻ.

Từng lớp lá được bà Nhung xếp lên khuôn và hình dáng chiếc nón bắt đầu hiện rõ. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (40 tuổi, cùng trú tại thôn Bố Liêu) tiếp lời: “Giờ bắt đầu dùng kim chỉ để khâu nón - công đoạn lâu nhất khi làm nón”.

Với kinh nghiệm hằng chục năm chằm nón, đôi tay của bà Nhung thoăn thoắt đưa từng mũi kim, đường chỉ. Dẫu vậy, mỗi ngày làm liên tục những người lành nghề như bà Nhung cũng chỉ tạo ra được 2 chiếc nón hoàn chỉnh.

Bà Oanh đưa một chiếc nón thành phẩm ra ngoài trời hướng dẫn thêm cho chúng tôi, những chiếc nón người dân làng Bố Liêu tạo ra đều kín kẽ, dày dặn. Mỗi chiếc nón thành phẩm này được thương lái thu mua với giá phổ biến 60 nghìn đồng/chiếc. Trừ chi phí ban đầu, họ thu về hơn 40 nghìn đồng/chiếc.

“Giờ làm nón thu nhập thấp nên không còn nhiều người, đặc biệt lớp trẻ trong làng làm nón nữa. Làm công nhân sáng đi tối về tháng cũng có lương 6 - 8 triệu rồi”, chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, một người làm nón khác ở làng Bố Liêu) nói và chia sẻ trong sự lo lắng, nếu tiếp tục như hiện tại, nghề chằm nón ở Bố Liêu có thể sẽ bị mai một.

a5.jpg
Giá một chiếc nón được thương lái thu mua khoảng 60 nghìn đồng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa cho hay, làng Bố Liêu có hơn 110 hộ. Thống kê gần nhất, tại đây có hơn 80 hộ còn làm nghề chằm nón và số lượng này đang giảm trong những năm qua. Dù đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là làng nghề truyền thống. Dẫu vậy, địa phương vẫn chưa tìm ra hướng để giữ gìn, duy trì và phát triển làng nghề.

Ông Nguyễn Đình Dũng cho rằng, phát triển làng nghề chằm nón Bố Liêu kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm là khả thi nhất. Tuy nhiên, hiện nay, việc chằm nón tại đây vẫn đang diễn ra một cách nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, muốn hiện thực hóa ý tưởng phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, trước mắt tại Bố Liêu cần được đầu tư, xây dựng một địa điểm trưng bày sản phẩm và sản xuất tập trung để khách tham quan.

Thời gian qua, cơ quan liên quan cùng một số đơn vị đã về địa phương khảo sát để tìm hướng phát triển cho làng nghề chằm nón Bố Liêu.

Muốn tạo nên sự đột phá, theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hoàng Minh Trí, trước mắt, người dân tại làng Bố Liêu cần tìm hiểu, học hỏi để tạo ra các sản phẩm đa dạng hơn như làm nón bằng lá sen, làm nón bằng lá bàng, thêm các họa tiết, hoa văn trên nón… nhưng vẫn giữ được nét riêng của nón lá tại đây.

Thực hiện được điều này sẽ góp phần nâng cao thu nhập của người chằm nón, từ đó, tạo nên sức hút, lôi cuốn lớp trẻ tiếp bước, duy trì và phát triển nghề truyền thống.

NGHĨA VĂN