Hà Nội, dáng huyền tha thiết đê mê…
Nhắc về Hà Nội, bên cạnh những địa danh lịch sử, những ngôi đình, ngôi chùa, những hồ nước, hay quảng trường, cây xanh…, chúng ta không thể không nhắc tới những bài hát.
Có một lịch sử của Thủ đô qua những bài ca đi cùng năm tháng. Những bài ca ấy, tùy từng người, tùy tâm trạng, sẽ chợt vang lên, lay động về một miền ký ức, nơi đó, Hà Nội hiện ra, với những kỷ niệm riêng, vừa thiêng liêng vừa gần gũi…
Những ngày này, tôi muốn nhắc tới ca khúc “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương. Bài hát ấy đã trở nên thân quen với biết bao người, để mỗi khi giai điệu ngân lên, người ta lại thấy bồi hồi:
“Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu gió chơi vơi
Hà Nội ơi!
Phố phường giãi ánh trăng mơ
Liễu mềm như gió ngây thơ
Thấu chăng lòng khách bơ vơ…”
Trong số các ca khúc viết về Hà Nội, “Hướng về Hà Nội” được đánh giá là ca khúc trữ tình vào loại bậc nhất. Những ca từ, giai điệu và hình ảnh trong ca khúc toát lên vẻ đẹp hào hoa rất đỗi đặc trưng của người Tràng An.
Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Dương từng nói với tôi rằng, ông viết ca khúc này vào khoảng cuối năm 1953 đầu năm 1954, “ghi lại nhiều tâm sự với Hà Nội trong những ngày trẻ trung và đa cảm”.
Lúc đấy Hà Nội chưa giải phóng, và khi ấy Hoàng Dương mới hơn 20 tuổi, phải rời Hà Nội sơ tán về một làng quê ven đô trong niềm nhớ nhung da diết “một người bạn gái rất thân”, vì thế ông gửi gắm tất cả vào ca khúc “Hướng về Hà Nội”.
Nhạc sĩ cũng từng tiết lộ, ông viết bài này chỉ trong một đêm, “tất cả nỗi nhớ vò xé trong tâm trạng mình”.
Giai điệu mang đầy tính tự sự cùng với ca từ đẹp, giàu chất thơ khiến người ta nghe mà nhớ Hà Nội đến nao lòng cho dù cả hai khi đang ở trong lòng Hà Nội: “Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thiết đê mê/ Tóc thề thả gió lê thê/ Biết đâu ngày ấy anh về…”
Ca từ giản dị mà chau chuốt, được nhạc sĩ kết hợp hết sức tài tình với giai điệu trĩu nặng tính tự sự đã tạo nên một hiệu quả âu lo, trông đợi, nhớ nhung, nghẹn ngào của tác giả, khi mà người thốt lên:
“Hà Nội ơi! Biết người còn có trông mong
Hướng về ai nữa hay không
Những ngày xa vắng bên sông
Hà Nội ơi! Kiếp người muôn hướng mây trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời...”
Nhạc sĩ Hoàng Dương kể, sau khi ra đời, bài hát đến với công chúng qua giọng hát của nữ ca sĩ Kim Tước trong ban nhạc Hoàng Trọng. Sau đó, ca khúc được lan truyền rộng rãi trên cả nước và cả ở nước ngoài.
Ca khúc được NXB Tinh Hoa ở Huế ấn hành và tái bản nhiều lần. Một thời gian dài, các giọng ca Mai Hương, Duy Trác đã chinh phục người nghe bằng giai điệu trữ tình của “Hướng về Hà Nội”.
Chẳng thế mà nhà thơ Ý Nhi sau khi nghe họ hát đã cho rằng: “Giọng ca của họ không lôi cuốn tôi ngay lập tức, nhưng rồi một vẻ đẹp thực sự, những giọng ca đó đã chinh phục tôi. Giọng người này, với sự tha thiết trong trẻo, giọng người kia với sự sâu lắng thấm nhuần, cho đến lúc tôi đinh ninh rằng họ là một trong số rất ít các ca sĩ có khả năng trình bày tốt nhất những ca khúc trữ tình nổi tiếng của Việt Nam”.
Bên cạnh giọng ca của Mai Hương, Duy Trác, có rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đã thể hiện thành công bài hát này. Có thể kể ra đây những ca sĩ như: Thu Hà, Ánh Tuyết, Trần Hiếu, Lê Hằng, Khánh Hà, Thanh Hằng...
Ca sĩ Hồng Nhung trong album “Đoản khúc thu Hà Nội” cũng chọn và thể hiện khá xuất sắc, chiếm được cảm tình của người nghe trong ca khúc “Hướng về Hà Nội”.
Tôi đã hỏi ông, rằng ai là ca sĩ thể hiện ca khúc “Hướng về Hà Nội” mà ông thích, nhạc sĩ Hoàng Dương tâm sự chân tình: “Vợ tôi vẫn thích nghe Khánh Hà hát. Còn tôi, Hồng Nhung hát tôi cũng thích. Ca sĩ Lan Anh gần đây nữa. Còn nghe Lê Dung hát “Hướng về Hà Nội”, đó là một giọng hát chỉn chu, âm sắc thì hay rồi, sang trọng lắm. Chỉ tiếc, chị ấy đã ra đi, không còn gặp lại được nữa…”
Đã có nhiều người cho rằng “Hướng về Hà Nội” là một ca khúc hay vào loại nhất trong các ca khúc trữ tình viết về Hà Nội.
Chắc hẳn không ít người - trong đó có tôi cũng đồng tình với nhà thơ Ý Nhi để mà “vào những chiều muộn, những đêm, những ban mai yên tĩnh” muốn được một mình lắng nghe những giai điệu ấy “như lắng nghe tiếng gọi hồn Hà Nội, lắng nghe lời cầu ước, lắng nghe chính lòng mình”.
Nhạc sĩ Hoàng Dương (1933-2017) tên khai sinh là Ngô Hoàng Dương, là con trai của nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ Trúc Khê Ngô Văn Triện. Ông nổi tiếng là một nhà sư phạm, là người sáng lập khoa violoncello của Nhạc viện Hà Nội, ông đã được phong Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân. Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Dương đã viết khá nhiều về Hà Nội, như: “Hướng về Hà Nội”, “Quân về Hà Nội”, “Hà Nội mến thương”, “Hà Nội, mùa xuân tình yêu”… Bên cạnh các ca khúc, ông còn viết nhiều nhạc không lời. Ông từng nhiều năm công tác tại Nhạc viện Hà Nội.