Kinh tế

Rủi ro mua hàng trên mạng

DUY KHANG 10/12/2023 12:46

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các giao dịch mua - bán trên các sàn thương mại điện tử cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại, người tiêu dùng cũng đối diện với không ít rủi ro.

anhmuaonline.jpg
Nhiều người tiêu dùng cảm thấy không hài lòng khi đặt hàng một đằng nhưng nhận hàng một nẻo. Nguồn: Hội BVNTD Việt Nam.

Đặt hàng 5 món, chỉ nhận được 3

Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ (ở phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do thời gian hạn hẹp nên buổi tối về chị lại tranh thủ lướt mạng để mua sắm các món đồ tiêu dùng.

Từ thời dịch Covid-19 bùng phát, chị Huệ đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Nếu như trước đây, mỗi tuần chị tới siêu thị 2 -3 lần để mua hàng thì nay chị tiết kiệm thời gian đi lại bằng cách xem các mặt hàng được bán hàng “livestream” trên các trang mạng xã hội để mua sắm.

“Mua hàng ở trên các kênh mạng xã hội giá rẻ hơn nhiều lần so với mua trực tiếp tại các cửa hàng, do người bán hàng không mất tiền thuê cửa hàng.

Tuy nhiên, rủi ro cũng không ít, khi mà tôi đặt 5 món, nhưng đến khi nhận về tay chỉ được 3 món” - chị Huệ than thở. Đáng nói, khi nhắn tin vào trang mà chị Huệ đã đặt mua trên mạng xã hội để phản ánh về tình trạng thiếu hàng thì chị Huệ hoàn toàn không nhận được hồi âm, còn gọi điện thoại thì không có người nghe máy. “Cũng may mà các sản phẩm tôi đặt mua đều có giá trị thấp” - chị Huệ chia sẻ.

Cũng chịu rủi ro khi mua hàng online, chị Trần Phương Hoa (phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị mua hàng ở một shop bán đồ gia dụng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, không ít lần chị nhận hàng hai hộp đồ y hệt nhau vì shop gửi 2 lần.

“Sau khi gọi điện khiếu nại thì chủ shop cũng nói đưa lại hàng cho bên vận chuyển để họ sẽ giao lại cho bên bán và người mua không mất tiền ship. Dù được giải quyết và cũng không bị thiệt hại gì song, cũng rất mất thời gian” - chị Hoa kể lại tình huống của mình và cho biết thêm, tình trạng đặt hàng một đằng, giao hàng một nẻo thì rất thường xuyên, song cũng một phần do các shop bán hàng có ngày lên cả nghìn đơn nên việc nhầm lẫn là khó tránh.

Có thể thấy, mua sắm online đã trở thành xu hướng chung và điều này là tất yếu trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại, thì người tiêu dùng cũng đối diện không ít rủi ro.

Nhiều đối tượng tận dụng những kẽ hở của thương mại điện tử để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Hình thức để lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn. Nhiều đối tượng khi bán hàng trực tuyến thường giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua khâu trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, thậm chí yêu cầu khách đặt cọc, yêu cầu khách thanh toán với số tiền lớn, rồi sau đó mới chuyển hàng, đến lúc nhận hàng thì xấu hay tốt khách tự chịu. Chưa nói đến chuyện không đăng ký kinh doanh, nhiều nơi bán hàng không đăng tải địa chỉ rõ ràng, không nguồn gốc xuất xứ, không an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trong khi đó, về phần các “thượng đế” khi đi chợ online vẫn thường có tâm lý thích đồ rẻ. Lợi dụng điều này, người bán không ngại tung ra các chiêu trò giảm giá kèm khuyến mại.

Người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ quyền lợi

Con số được đưa ra từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như: Chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), lo ngại bị lộ thông tin (33%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%)...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu rõ, là do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, thiếu đồng bộ và chưa theo kịp với tình hình thực tiễn với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay.

Cùng với đó, những thủ tục khiếu nại, khởi kiện đơn vị bán hàng kém chất lượng còn rườm rà cho nên hầu hết người tiêu dùng đành bỏ qua. Khi mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng trên mạng, đại đa số người tiêu dùng đều xử lý bằng cách không tiếp tục mua hàng nữa thay vì báo với cơ quan chức năng.

Chưa kể, phần lớn các khách hàng mua sắm online hầu như không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng. Điều này, càng gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng...

Theo Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Cao Xuân Quảng, trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online. Những phản ánh vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào hiện tượng giao hàng hỏng hóc, không đúng với đơn đặt hàng, không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Trong khi đó đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trung bình mỗi tháng, hội nhận được 50-60 phản ánh, khiếu nại của khách hàng liên quan đến mua phải hàng kém chất lượng trên không gian mạng.

Giới chuyên gia cũng chỉ rõ về những rủi ro mà người tiêu dùng dễ gặp phải khi mua sắm online, đó là các rủi ro tài chính và các rủi ro tương tự, kể cả rủi ro xã hội, việc người tiêu dùng không kiểm soát được các hành vi mua sắm của mình.

Quy trình lựa chọn và mua hàng hóa trực tuyến khá đơn giản. Do đó, nếu người tiêu dùng không cân nhắc kỹ sẽ dẫn đến tình trạng mua vượt quá thu nhập hoặc mua những mặt hàng không có nhu cầu sử dụng đến. Cùng với đó là rủi ro bị đánh cắp thông tin...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc thanh kiểm tra trên môi trường mạng, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả, giải đáp kịp thời thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Linh khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn nền tảng mua sắm trực tuyến phù hợp. Đặc biệt khi mua sắm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, người tiêu dùng nên lựa chọn các cửa hàng trực tuyến chính hãng, có sự đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng để tránh các rủi ro về sản phẩm và rủi ro đổi trả hàng hóa.

Nếu người tiêu dùng mua sắm trên website, cần phải kiểm tra xem website đã được đăng ký với Bộ Công Thương hay chưa. Khi mua sắm, người tiêu dùng cần nắm rõ về chính sách thanh toán, giao hàng, đổi trả hàng hóa và các khiếu nại liên quan. Bản thân mỗi người tiêu dùng cần phải chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình.

DUY KHANG