Quốc tế

Nhiên liệu hóa thạch phủ bóng COP28

THẾ TUẤN 10/12/2023 15:07

Chỉ còn ít ngày nữa Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ kết thúc (ngày 12/12). Bên cạnh một số kết quả thì việc tranh cãi về nhiên liệu hóa thạch đã phủ bóng COP28.

anh-bai-nhien-lieu-hoa-thach.jpg
Lạm dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm bầu khí quyển và gia tăng nhiệt độ Trái đất. Nguồn: Unsplash.

Hội nghị COP28 lần này tổ chức tại Dubai (thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), cũng chính là nhà sản xuất dầu mỏ lớn bậc nhất trong số các quốc gia Trung Đông.

Các nhà đàm phán từ hơn 190 quốc gia dự COP28 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc giảm khai thác, sử dụng nguyên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí đốt tự nhiên), trong khi nhiệt độ Trái đất vẫn nóng lên.

Một báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng, lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần giảm 43% trong giai đoạn 2019-2030 để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C.

Nhưng thiếu các kế hoạch hành động nên chỉ có thể giảm lượng khí thải 3,6% vào năm 2030 so với năm 2019. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây muốn thế giới ngừng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than và họ đang vận động đưa lời kêu gọi “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, cũng không ít chính phủ không đồng tình, với lý do các nước nghèo sẽ cần than, dầu và khí đốt tự nhiên trong nhiều chục năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời không ít ý kiến “tố ngược” Mỹ, EU và các nước giàu không cắt giảm lượng khí thải như đã cam kết trong 20 năm qua.

Họ cho rằng, các nước phát triển phải chịu trách nhiệm về lượng khí carbon thải vào bầu khí quyển kể từ thời kỳ bình minh của kỷ nguyên công nghiệp.

Chưa hết, tại COP15 (năm 2009 ở Canada), các nước giàu cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm cho Quỹ khí hậu xanh của Liên hợp quốc.

Quỹ này sẽ cho các nước đang phát triển vay trong dài hạn nhằm triển khai các biện pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ trong nhiều năm, có nghĩa là chính phủ các nước giàu đã “nuốt lời”.

Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo tuyên bố, việc các nước phát triển chỉ đưa ra những cam kết là chưa đủ. Họ cần thực hiện những cam kết và nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo triển khai và thực hiện các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadera, kêu gọi các nước phát triển chia sẻ gánh nặng hậu quả của biến đổi khí hậu.

Ông Touadera lưu ý đến khoảng cách giữa các nước phát triển - là những nước gây ô nhiễm chính - và các nước nghèo, cho rằng sẽ là hợp lý nếu các nước phát triển tài trợ cho quá trình giảm thiểu tác hại. Còn Bộ trưởng Bộ Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad nhấn mạnh rằng, các nước đang phát triển cần 160 tỉ USD hàng năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là số tiền rất lớn so với con số 22 tỉ USD hiện đang được cung cấp.

Lo ngại trước việc sử dụng năng lượng hóa thạch vẫn không ngừng gia tăng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói: “Chúng ta không thể cứu một hành tinh đang cháy bằng vòi cứu hỏa nhiên liệu hóa thạch.

Mục tiêu kiềm chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp) chỉ có thể thực hiện được nếu cuối cùng chúng ta ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch”.

Trái lại, Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber (Bộ trưởng Công nghiệp và công nghệ cao UAE kiêm CEO của Tập đoàn dầu khí quốc gia Adnoc của UAE) ngay trước khi COP28 mở màn lại đề xuất tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Như vậy, vấn đề trọng tâm tại COP28 là liệu các nước có nhất trí loại bỏ dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hay không, vẫn chưa có câu trả lời, cho dù quỹ bồi thường khí hậu đã được khởi động nhằm hỗ trợ các quốc gia chịu tổn thất bởi biến đổi khí hậu.

Trong lúc tranh cãi về năng lượng hóa thạch vẫn gay gắt thì giá dầu thô lại đe dọa tăng lên mức 100 USD/thùng ngay từ đầu năm 2024. Thông tin này được các thành viên liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước sản xuất bên ngoài (OPEC+) xác nhận. OPEC+ hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thế giới.

Đáng lo ngại hơn, trong vị trí thống lĩnh và dẫn dắt giá dầu mỏ, OPEC và OPEC+ luôn khiến các chính phủ phải “chạy theo” sự “nóng lạnh” của mình. Kể từ tháng 11/2021 tới nay, giá dầu thô liên tục biến động, từ mức tối thiểu 60 USD/thùng có lúc lên tới 130 USD/thùng. Sự biến động dù lên hay xuống cũng khiến thị trường nhiên liệu toàn cầu chao đảo.

COP28 sắp hạ màn, nhưng vấn đề loại bỏ nguyên liệu hóa thạch thì vẫn còn đó.

Trong một báo cáo ngày 7/12, các chiến lược gia của Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo dầu thô Brent có rất nhiều lý do để tăng giá cao hơn nữa vào năm 2024. Con số dự báo sẽ là 100 USD/thùng (ở mức giá cao) và 74 USD/thùng (ở mức rớt giá). Goldman Sachs cũng cho rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung đang rình rập ở Trung Đông, trong đó có chính sách thắt chặt sản xuất của OPEC. Dự báo cũng cho rằng, trong quý I/2024, giá dầu thô có thể sẽ tăng 19% so với quý IV/2023.

THẾ TUẤN