Hoa hồng Sa Đéc vào vụ Tết
Được coi là "thành phố hoa hồng", thời gian gần Tết, hàng chục ngàn chậu hoa hồng ở Sa Đéc bắt đầu bung nở, khoe sắc khắp mọi ngả đường.
Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa mới tới tết Nguyên Đán Giáp Thìn nhưng những ngày này, hàng trăm hộ trồng hoa hồng ở Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông… (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã tất bật chuẩn bị vụ hoa hồng tết. Được trồng và bán quanh năm nhưng với nông dân, vụ hồng tết là quan trọng và có lợi nhuận cao nhất, bằng toàn bộ thời gian khác trong năm.
Dù trồng rất nhiều loại hoa kiểng phục vụ nhu cầu của người dân nhưng nhiều người vẫn gọi Sa Đéc bằng cái tên dân dã là “thành phố hoa hồng” bởi ở đây, dịp cuối năm, hoa hồng được trồng ở khắp mọi ngả đường, cánh đồng. Các loại hồng được nông dân trồng nhiều là hồng lửa, hồng tỉ muội, hồng vàng, hồng hai da, hồng bạch….
Ông Nguyễn Văn Bảy, 62 tuổi, chủ một vựa hơn 6.000 chậu hoa hồng cho biết ông có hoa bán quanh năm. “Hồng là loại hoa khó trồng nhất trong các loại hoa. Nhưng bù lại chúng vừa có sắc, vừa có hương thơm rất ngọt, nhiều người mê. Cách trồng hoa của người dân ở đây cũng khác với tất cả những nơi khác, đó là trồng trên ruộng ngập nước, đi ghe thuyền nhỏ để chăm sóc hoa. Hoa ở Sa Đéc gắn với sông nước chứ không phải trồng trong nhà, trên nền đất”, ông Bảy cho biết.
Theo người nông dân này, lợi thế của việc trồng hoa trên ruộng ngập nước là chi phí ít, không sâu bệnh và phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, nơi nằm kẹp sát giữa sông Tiền, sông Hậu. Ngoài hoa hồng, các loại hoa khác cũng được nông dân là giàn cao bằng cây tre, tràm cao khoảng 1 mét rồi đặt chậu hoa lên, sau đó dẫn nước từ sông vào làm ngập sâu chừng nửa mét. Việc làm ngập nước giúp cho việc tưới tiêu hoa của nông dân dễ dàng và cũng để ngăn chặn sâu bệnh tấn công cây. Hàng ngày, nông dân ngồi trên những chiếc ghe xuồng nhỏ để chăm sóc, tưới cho hoa.
Chia sẻ thêm về cách trồng hoa hồng, anh Năm Hữu ở xã Tân Quy Đông, một nông dân khác cho biết từ một chậu hoa hồng, nông dân sẽ dùng dao tách thành các cây con. Cách tách này thực hiện bằng việc chiết từ thân cây mẹ ra, rồi sau đó chăm sóc cho cây con lớn lên. Quá trình từ khi tách tới khi cây con có bông khoảng 40-50 ngày. Sau đó, nông dân có thể bán những chậu cây con khi vừa chúm bông hoặc cắt bông bán mà vẫn giữ được cây. Đây là lợi thế lớn nhất của hoa hồng, giúp cây được nhiều nông dân chọn để trồng vì có thể vừa bán hoa hồng vừa giữ được cây để tách thành cây non khác. Hoa hồng bán rời thường được các thương lái thu mua đem về thành phố tinh chế làm nước hoa, hương thơm tự nhiên…
Ngoài tạo ra sản phẩm để bán như những loại hoa thông thường, các vườn hoa hồng ở Sa Đéc hiện nay là địa điểm du lịch nối tiếng ở khu vực phía Nam, thu hút hàng ngàn người dân tới tham qua, ngắm cảnh, chụp hình. Các dịch vụ này cũng đem đến nguồn thu đáng kể cho nông dân trồng hoa hồng nói riêng và các loại hoa khác nói chung.