Chính trị

Hoàn thiện thể chế nền công vụ liêm chính

H.Vũ 11/12/2023 08:16

Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) đạt được hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất, cần hoàn thiện thể chế về một nền công vụ liêm chính với 5 trụ cột.

anh-bai-tren(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trong 2 nhiệm kỳ gần đây công tác PCTN,TC có nhiều chuyển biến. Việc phát hiện và xử lý có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, đảm bảo tính răn đe. Nỗ lực xây dựng thể chế để ngăn chặn tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Thanh, thể chế về công khai minh bạch đã có những phát triển vượt bậc. Như 10 năm trước đây, tình trạng nhiều xe công chở công chức đi lễ hội, thực hiện tâm linh thì ngày nay gần như đã hết hẳn. “Những ngày qua chúng ta “giật mình” khi có những công chức đi đánh golf trong giờ làm việc. Nếu không có tiến bộ về công khai minh bạch thì xã hội sẽ không biết đến hành vi đó” - ông Thanh nói và cho rằng đã có bước tiến lớn trong xây dựng một nền quản trị công hiện đại, minh bạch.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, đang có hạn chế, thách thức đặt ra trong phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới, đó là thể chế về công vụ, công chức. Theo đó vấn đề này dù đã đi qua nhiều cuộc cải cách, có nhiều tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu xây dựng một nền công vụ liêm chính, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Ví dụ việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Bộ quy tắc ứng xử theo ngành, lĩnh vực công vụ và cấp hành chính chưa đạt được tiến bộ rõ nét.

Ông Thanh cũng đánh giá: Nhân lực đầu vào và quản trị nhân lực khu vực công vẫn phảng phất cơ chế bị chi phối đáng kể bởi “chủ nghĩa thân hữu”. Kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức chưa đạt được tiến bộ thực tế đáng kể, còn thiếu những giải pháp đủ mạnh, nhất quán để ngăn chặn động cơ tham nhũng.

Để công tác PCTN,TC đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới, với kinh nghiệm là người chủ trì soạn thảo 3 luật PCTN qua các thời kỳ, ông Thanh kiến nghị: Phải tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động công vụ. Bên cạnh đó, hoàn thiện thêm pháp luật về vấn đề kiểm soát tài sản thu nhập. Theo đó, tăng cường vị thế và năng lực của các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Khẩn trương xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản thu nhập của cán bộ công chức. Xây dựng và ban hành quy trình chuẩn về kiểm soát tài sản thu nhập. Mở rộng kiểm soát tài sản thu nhập ở khu vực tư, trước mắt là quản lý các ngân hàng, quỹ đầu tư.

“Những ngày này vụ án Vạn Thịnh Phát càng bộc lộ những yếu kém của chúng ta khi đã không đưa những người giữ chức vụ quản lý quan trọng trong hệ thống đó vào diện kiểm soát tài sản thu nhập. Không kiểm soát tài sản thu nhập, chúng ta không bao giờ đạt được hiệu quả tổng thể” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho rằng, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công vụ với 5 trụ cột. Cụ thể, ngăn chặn tiêu cực trong quản trị nhân lực, công cả khâu đầu vào và nâng ngạch. Liêm chính hoá nền công vụ bằng Bộ quy tắc ứng xử ngắn gọn đơn giản dễ hiểu để xã hội giám sát được. Chuyên nghiệp hoá việc thực thi công vụ trong nền hành chính nhà nước bằng các bộ quy trình nghiệp vụ chặt chẽ. Quyết tâm nghiên cứu thiết lập và vận hành cho bằng được dòng chảy nhân lực giữa khu vực tư và công. Hiện chúng ta chỉ có dòng chảy 1 chiều, nhân lực cao cấp ở khu vực tư hầu như không có cách gì để tuyển dụng vào làm trong khu vực công. Cho nên phải có cơ chế tiền lương và bảo hiểm xã hội linh hoạt để tiếp nhận nhân sự quản lý có chất lượng cao cho khu vực công và các loại hoạt động công vụ ngắn hạn. Tìm ra trọng tâm, trọng điểm của cải cách hành chính trong những năm tới.

“Trọng tâm chính là ngăn chặn tiêu cực trong quản trị nhân lực, liêm chính hoá nền công vụ, chuyên nghiệp hoá việc thực thi công vụ. Phải lành mạnh hoá hình ảnh nền công vụ của đội ngũ công chức, cải thiện niềm tin của công chúng. Việc tiếp tục xây dựng nền công vụ và đội ngũ công chức, viên chức có ý nghĩa quyết định củng cố niềm tin với công chúng, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”- ông Thanh nói.

Trong phương hướng nhiệm vụ của công tác PCTN, tiêu cực năm 2024, Chính phủ xác định: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực. Kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả rà soát Luật PCTN; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

H.Vũ