Giáo dục

Sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng

Thu Hương 11/12/2023 08:20

Vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình.

anh-chinh(1).jpg
Học sinh trường THCS Tân Phong 2 (Quảng Xương, Thanh Hóa) khám sức khỏe định kỳ đầu năm học 2023-2024. Ảnh: Thu Trang.

Nâng cao chất lượng hỗ trợ tâm lý trong trường học

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 - 2030.

Chương trình phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

100% trẻ em mồ côi được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội, được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ phù hợp.

Theo đó, có 8 giải pháp được đưa ra để thực hiện các mục tiêu này như truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi, chú trọng cung cấp các thông tin về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc… Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em toàn diện và liên tục tăng cường các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phòng ngừa và phát hiện sớm rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em; củng cố công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phát triển dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn tham vấn cho trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ rối loạn tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng…

Sớm khắc phục thiếu nhân viên y tế học đường

Theo nhận định của Bộ GDĐT, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh. Mặc dù vậy, các vấn đề sức khỏe tâm thần của nhóm tuổi này chưa được chú trọng nhiều.

Các nghiên cứu cho thấy rằng sức khỏe tâm thần của học sinh hiện có liên quan tới thành tích học tập và các nỗ lực của học sinh (gắn kết với trường học, động cơ học tập...). Trong khi đó, chương trình học tập tại trường học chú trọng vào sự phát triển tâm trí và cảm xúc xã hội giúp học sinh cải thiện thái độ và thành tích học tập. Các mối quan hệ bạn bè tích cực, các kỹ năng sống học được tại trường học giúp học sinh nâng cao động cơ và thành tích học tập. Bên cạnh đó, trường học gắn với thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người. Do vậy, trường học là nơi lý tưởng để triển khai các biện pháp can thiệp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Ghi nhận tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhân viên y tế hiện đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, có nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều nội dung công việc như tiếp nhận, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, lưu mẫu thức ăn...

Bên cạnh việc theo dõi sức khỏe học sinh, hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng xây dựng chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với lứa tuổi, theo mùa, đội ngũ nhân viên y tế còn tham gia giám sát môi trường học đường, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, và tư vấn tâm lý cho học sinh. Công việc nhiều vậy nhưng nhiều trường học tại Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác lại đang thiếu nhân sự đảm trách công việc này hoặc là văn thư, thủ quỹ kiêm nhiệm.

Đơn cử, tại TPHCM, hơn 2.300 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT với hơn 1,7 triệu học sinh, nhưng chỉ có hơn 1.300 cơ sở có biên chế nhân viên y tế trường học. Như vậy, hơn 40% số đơn vị không có hoặc phải tự xoay xở tìm kiếm tuyển dụng nhân sự y tế học đường theo hợp đồng… Đây cũng là vị trí việc làm không dễ tuyển dụng do mức lương thấp, khoảng 4 triệu đồng/tháng, không có chế độ đãi ngộ riêng, trong khi khối lượng và áp lực công việc lớn.

Đại diện các trường nhìn nhận cần sớm có cơ chế tuyển dụng, ưu đãi phù hợp để thu hút được nhân lực đủ chất lượng đảm trách công tác y tế học đường.

Bộ GDĐT cho biết, sẽ đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV. Cụ thể là điều chỉnh vị trí y tế học đường từ danh mục “hỗ trợ, phục vụ” sang danh mục vị trí việc làm “chuyên môn dùng chung” để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh.

Thu Hương