Tai nạn giao thông vẫn tăng
Thống kê của cơ quan chức năng, 11 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 11.779 vụ tai nạn giao thông (TNGT). Bình quân 1 ngày có 35 vụ TNGT, làm 19 người chết, 25 người bị thương. Chỉ tính riêng số vụ TNGT xảy ra trong 11 tháng đã cao hơn cả năm 2022, với 11.457 vụ TNGT.
Vì sao đã có nhiều biện pháp quyết liệt được triển khai, nhưng TNGT vẫn tăng? Đó là một thực tế rất cần có câu trả lời cùng với những biện pháp thực sự hiệu quả.
Là một trong số những địa phương gia tăng số vụ TNGT, tăng số người bị thương, ông Vũ Văn Tùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương cho biết, do Hải Dương nằm trong trung tâm tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương, nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng rất lớn. Mật độ giao thông dày đặc dẫn đến rủi ro cao. Ông Tùng cũng cho biết, 2 năm gần đây số xe cá nhân tăng “kinh khủng”.
Thông tin tại kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa X, Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, trong 11 tháng của năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều điểm sáng khi TNGT giảm trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương). Cụ thể, toàn thành phố xảy ra 1.538 vụ, làm chết 600 người, bị thương 922 người. So với cùng kỳ giảm 412 vụ, giảm 99 người chết và 258 người bị thương. Tuy thế, ông Tài cũng cho rằng một năm có đến 600 người chết vì TNGT giao thông là quá cao.
Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), mặc dù TNGT 11 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm 2022, song việc kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm nồng độ cồn trở thành điểm sáng trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT nói chung. Cụ thể, 11 tháng đầu năm, TNGT do nồng độ cồn đã giảm 25% về số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22,6% số người bị thương.
Trong khi đó, theo ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù TNGT diễn biến bất thường, khó nắm bắt, song với việc tăng số vụ, số người bị thương do TNGT trong 11 tháng đầu năm cho thấy công tác quản lý về TTATGT đang “có biến động”. Chúng ta giải quyết vấn đề nồng độ cồn thì giảm tai nạn do nồng độ cồn là trông thấy, nhưng rõ ràng là còn nhiều nhân tố khác có ảnh hưởng. Trong đó có việc vi phạm về tốc độ.
Dù với bất cứ nguyên nhân nào, việc gia tăng TNGT về số vụ, số người bị thương do TNGT cũng khiến dư luận lo lắng. TNGT đường bộ vẫn chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối trong tổng số vụ. Đáng chú ý, trong năm có tới gần 900 vụ TNGT xảy ra với trẻ em là một điểm trừ cho xã hội, phải được coi là một báo động về trách nhiệm của người lớn. Nguy cơ nhiều nhưng các bậc cha mẹ đã làm gì để bảo vệ con cái?
Noel và năm mới 2024 đã đến gần, Tết Nguyên đán cũng không còn bao xa. Đây cũng chính là thời điểm người đi lại đông. Đòi hỏi cơ quan chức năng, cụ thể là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải “ra quân” mạnh mẽ hơn. Các sai phạm về an toàn giao thông phải được xử lý mạnh hơn. Đặc biệt với các chủ xe, doanh nghiệp vận tải và lái xe, thì không thể bỏ qua bất cứ vi phạm nào.
Nhu cầu đi lại tăng cao, nhà xe tăng chuyến, lái xe “cướp đường”, nhồi nhét khách để tìm kiếm lợi ích. Từ đó rủi ro TNGT càng tăng.
Để kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và bị thương do TNGT, ngoài việc truyền thông nâng cao ý thức người tham gia giao thông, thì cách tốt nhất là phải tăng cường kiểm tra thường xuyên và phải phạt nặng với các hành vi vi phạm. Phạt nặng cũng để dần tạo nên ý thức.
Điều đó trách nhiệm chính thuộc về cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.