Giáo dục

Giảm gánh nặng học phí trên vai phụ huynh

Dung Hòa 11/12/2023 08:20

Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp học.

anh-bai-phu.jpg
Học sinh THCS tại TPHCM sẽ không phải đóng học phí. Ảnh: Yên Hoa.

Theo đó, học sinh tại cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được hưởng ưu tiên, hỗ trợ. Điều này sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính với gia đình học sinh.

Ngày 8/12 vừa qua, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP HCM khoá X thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên năm học 2023-2024. Theo đó, TPHCM sử dụng ngân sách thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ học phí áp dụng cho 9 tháng năm học 2023-2024 dành cho trẻ em mầm non, học sinh THCS, THPT công lập, học viên GDTX đang học tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (không bao gồm học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố theo phân cấp ngân sách hiện hành. Tổng kinh phí dự kiến thực chi hỗ trợ là 1.847 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh THCS là 1.108 tỷ đồng (công lập 1.042 tỷ đồng, ngoài công lập 66 tỷ đồng).

Điểm mới của nghị quyết nói trên là toàn bộ học sinh THCS tại TPHCM sẽ không phải đóng học phí. Học sinh bậc tiểu học miễn học phí theo quy định của nhà nước; trẻ mầm non, học sinh THPT đóng học phí năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022.

Tại Khánh Hòa, theo tinh thần nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua, toàn bộ trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên các trường công lập ở Khánh Hòa được hỗ trợ 5 tháng học phí trong năm học 2023- 2024. Mức hỗ trợ để đóng 5 tháng học phí là theo mức học phí quy định của năm học 2023-2024. Theo Sở GDĐT Khánh Hòa, mức thu học phí năm học sắp tới, theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GDĐT, sẽ được giữ ổn định tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề công lập từ năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022.

Do đó, theo dự toán của Sở GDĐT và thống nhất của Sở Tài chính, dự kiến ngân sách dành cho ngành giáo dục chi hỗ trợ đóng học phí 5 tháng cho học sinh là hơn 44 tỷ đồng. Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa - cho biết việc hỗ trợ đóng học phí 5 tháng tương đương giảm hơn 50% học phí cho học sinh toàn tỉnh.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông của TP Hà Nội thuộc hộ cận nghèo. Theo quy định của Chính phủ, trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông ngoài các đối tượng chính sách được hưởng chế độ miễn học phí (gồm học sinh khuyết tật, mồ côi, hộ nghèo...) còn có các đối tượng được giảm học phí, trong đó có học sinh thuộc hộ cận nghèo, được giảm 50% học phí. Với mức thu của năm học 2023-2024, mức học phí các trường hợp này phải đóng thấp nhất 25.000 đồng/học sinh/tháng và cao nhất 150.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ hỗ trợ số học phí còn lại (50%).

UBND TP Hà Nội đề xuất thời gian thực hiện hỗ trợ từ 1/1/2024 (theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học).

4 địa phương miễn học phí 100% cho học sinh trong năm học 2023-2024 là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam với dự chi hàng trăm tỷ đồng. Ở năm học 2022-2023, cả nước có 7 tỉnh, thành phố miễn giảm học phí cho học sinh, gồm: Quảng Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Hải Phòng.

Dung Hòa