Kinh tế

Hà Nội chủ động nguồn cung hàng hóa dịp Tết

Hà An 11/12/2023 08:21

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cho biết, đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).

anh-bai-duoi(1).jpg
Hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị được giám sát, quản lý chặt chẽ. Ảnh: Nam Anh.

Ngay từ tháng 9/2023, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động theo dõi sát tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; trong đó đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với các sàn thương mại điện tử lớn để, doanh nghiệp mở rộng thêm các hình thức cung ứng hàng hóa tới người tiêu dùng; hướng dẫn các đơn vị thực hiện, đăng ký các chương trình khuyến mãi theo quy định đối với các sản phẩm để thu hút được sự quan tâm, mua sắm của khách hàng…

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đồng thời phối hợp phối hợp các hệ thống bán lẻ, siêu thị giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa.

Phó Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, hệ thống siêu thị Hapro/BRGMart có quy trình kiểm soát hàng hóa vào siêu thị rất chặt chẽ. Đặc biệt, trong tháng cao điểm phục vụ cho Tết Nguyên đán 2024, thì việc kiểm soát hàng hoá vào siêu thị càng được giám sát chặt chẽ hơn, với những tiêu chí khắt khe. Tất cả các hàng hoá phải đảm bảo đầy đủ các giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm định; kiểm soát từ phía siêu thị: khâu vận chuyển, giao nhận, bảo quản, trưng bày đúng quy định.

Về giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm, Tết Giáp Thìn và năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Liên quan đến an toàn thực phẩm, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật dịp cuối năm tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An, An Giang có chiều hướng gia tăng… Ước tính riêng lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam thông qua các đường tiểu ngạch.

Trước diễn biến nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, nhập lậu gia súc, gia cầm có xu hướng tăng cùng với việc đảm bảo nguồn cung, giá cả công tác phòng chống dịch đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn dịp cuối năm là một trong những nhiệm vụ được TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, cho biết đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã bố trí thêm lực lượng tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát gia súc, gia cầm tại các chợ đầu mối; duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên địa bàn thành phố, để tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên các tuyến đường từ các tỉnh biên giới về Hà Nội tiêu thụ.

Hà An