Văn hóa

Thời điểm “vàng” của điện ảnh

Minh Quân 11/12/2023 08:22

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại là vấn đề đáng bàn.

anh-1-bai-tren.jpg
Một buổi ghi hình. Ảnh: đoàn làm phim cung cấp.

Theo Cục Điện ảnh, trong những năm gần đây điện ảnh của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 20% mỗi năm.

Hiện điện ảnh Việt Nam đang trong thời điểm vàng với nguồn lao động trẻ dồi dào. Người trẻ Việt với đặc điểm thích tìm tòi, tích cực cập nhật nắm bắt nhanh xu hướng của thế giới. Đặc biệt, những phần mềm, kỹ thuật làm phim hiện đại cũng được ứng dụng từ đó thấy được về “phần nhìn” của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của thế giới. Những năm qua tại các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, một số nhà làm phim trẻ đã được xướng tên như: Trương Minh Quý, Phạm Hoàng Minh Thy và Huỳnh Công Nhớ với các giải thưởng tại LHP quốc tế Singapore (SGIFF); Phạm Ngọc Lân với hàng loạt các giải thưởng tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), LHP Locarno (Thụy Sĩ)…

Tuy nhiên, theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, để có thể đáp ứng về phần “chất”, chúng ta cần những cơ sở giáo dục chuyên nghiệp về điện ảnh cả nhà nước lẫn tư nhân. Hàng năm các trường dạy về điện ảnh đều cho ra đời những thế hệ đạo diễn, diễn viên thế hệ mới. Điều cần thiết nhất là tạo cho các nguồn lực mới này một môi trường và hướng đi có thể gắn bó lâu dài với nghề để không bỏ phí “thời điểm vàng” về nhân lực mà chúng ta đang nắm giữ. Chúng ta có thể làm rất tốt “phần nhìn” nhưng về chất lượng của sản phẩm lẫn con người cần phải trải qua nhiều năm để có thể đạt đến mức độ chín muồi.

“Những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình định hướng phong cách, khó khăn nhất đối với họ là tìm cho mình một “chỗ dựa” để có thể tự do phát triển và trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay thì các đạo diễn trẻ lại càng thêm “khát vốn” làm phim hơn nữa” - đạo diễn Võ Thanh Hòa bày tỏ.

anh-2-bai-tren.jpg
Giảng viên hướng dẫn cách phân tích nội dung kịch bản. Nguồn: Cty Tây Nguyên phim.

Sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của thị trường điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra môi trường nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức với nguồn nhân lực. Sự phát triển ấy đồng thời cho thấy những thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp điện ảnh cần được bổ sung kịp thời để nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam có những thành công vững chắc hơn nữa. Bởi thông thường một đạo diễn muốn gọi vốn làm phim thường phải đi tham gia trình chiếu tác phẩm phim ngắn tại các liên hoan phim. Tuy nhiên, công cuộc này không phải lúc nào cũng thuận lợi, các đạo diễn trẻ thường phải trải qua rất nhiều nỗ lực và quá trình để thấy được tác phẩm của mình trên màn ảnh rộng, chưa tính đến chuyện khán giả sau đó có ủng hộ và nhà đầu tư có sẵn sàng tiếp tục đổ vốn cho họ làm tiếp những phim tiếp theo hay không.

Theo bà Đỗ Thị Hồng - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, thực tiễn cho thấy nguồn nhân lực được đào tạo trong nước chưa có được bước tiến rõ nét. Trong khi đó, thế hệ đạo diễn Việt kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ... hay các đạo diễn “tay ngang” tự học lại có dấu ấn rõ ràng hơn. “Cơ sở đào tạo có thương hiệu còn nhiều hạn chế như nhiều giáo trình chưa được thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo; đầu vào không có nhiều sinh viên thật sự có năng khiếu, tài năng” - bà Hồng nói.

Còn theo PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt đang cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài như thế hệ trước kia, còn đào tạo trong nước thì chưa đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng ngành nghề. Chính vì vậy, cần gấp rút có biện pháp cụ thể từ cơ quan chức năng, thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong cũng như ngoài nước. Ở trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Song song với đó, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí, cử sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển.

Minh Quân