Tháo gỡ các điểm nghẽn
Gấp rút chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh được coi như “mệnh lệnh của cuộc sống”. Nhưng để thực hiện thì vẫn cần tháo gỡ các điểm nghẽn.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh cần dựa trên các trụ cột, bao gồm điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch.
Trong số các nút thắt gây khó khăn và thách thức quá trình chuyển đổi xanh, nổi bật nhất là những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, các chính sách và quy định cho phát triển kinh tế xanh. Bên cạnh đó là thiếu nguồn lực tài chính đủ lớn để đầu tư vào các dự án và công nghệ xanh lẫn nguồn nhân lực có đủ kỹ năng và kiến thức về kinh tế xanh và công nghệ xanh.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), cho rằng cần có cơ chế đột phá để giải quyết các điểm nghẽn, từ đó thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Riêng với TPHCM, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đã mở ra cơ hội cho việc phát triển kinh tế xanh của thành phố trong những năm tới, bao gồm các quy định về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, để thành công, theo ông Thành cần bảo đảm các dự án hợp tác công tư như BOT, BT được thực hiện một cách minh bạch. Việc quy hoạch sử dụng đất cần bảo vệ tài nguyên môi trường như đất, nước và không gian xanh; thực hiện cơ chế và chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Thành cũng cho rằng, cần phát triển chiến lược thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời xây dựng quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ xanh.
"Cần sự tham gia và góp ý của cộng đồng trong quá trình định hình chính sách và quyết định về phát triển kinh tế xanh. Quan trọng hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và ngành chức năng trong việc thực hiện và giám sát các chính sách và dự án" - ông Thành nói.
Ông Đặng Đức Thành từng được truyền thông coi là “người truyền cảm hứng về lối sống xanh”, khi triết lý phát triển được ông cổ vũ không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn góp phần xây dựng một xã hội xanh - sống lành - sống khỏe.
Tập đoàn Green+ là tâm huyết của ông Thành. Ông đã từng có 3 cuốn sách về chủ đề cây xanh và môi trường.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết trung hòa khí nhà kính, giảm phát thải khí carbon về mức bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không chuyển đổi trong nhận thức và hành động thì không bảo đảm cam kết.
“Xanh hóa không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là luật chơi mới trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Trong nước, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh và môi trường sống an toàn, bảo vệ thiên nhiên ngày càng được xã hội quan tâm. Với nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh mang tính chất sống còn đối với doanh nghiệp (DN), khi phải đối mặt hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe do các nước nhập khẩu dựng lên. Trong đó, tiêu chuẩn "xanh" được áp dụng như hàng rào kỹ thuật mới” - ông Hòa cho biết.
Vẫn theo ông Hòa, thế giới đã đi rất nhanh trong vấn đề chuyển đổi xanh, trong khi Việt Nam nói chung còn ở giai đoạn nhận thức, chuẩn bị và bắt đầu chuyển dịch. Vì vậy, chúng ta phải bắt tay vào hành động và hành động nhanh. Đừng nghĩ xanh hóa là phải làm điều gì lớn lao mà trước mắt, tùy theo loại hình và điều kiện, hoàn cảnh mỗi DN cần mà thực hiện tốt 3 việc, gồm: giảm phát thải, tái sử dụng và tái chế.
Trả lời câu hỏi: Muốn chuyển đổi xanh, DN bắt buộc phải có nguồn tài chính. Điều đó tìm kiếm ở đâu? Ông Hòa cho rằng cần đưa nội dung chuyển đổi xanh vào chương trình hành động mang tính chiến lược của các địa phương. Các DN chuyển đổi xanh được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0 hoặc bù lãi suất 50% trong thời hạn 7 năm để thực hiện tiến trình "xanh hóa".
Ngoài vấn đề lãi suất, DN còn rất mong nhà nước sớm hình thành thị trường tín chỉ carbon để những DN chưa có điều kiện đầu tư giảm phát thải carbon có thể mua chứng chỉ này, đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Không chỉ mua tín chỉ carbon, DN đã tích cực đầu tư xanh hóa đạt chuẩn giảm thải carbon thì có thể bán để thu hồi vốn, khẳng định giá trị thương hiệu và sản phẩm của mình...