Xã hội

Chiêu trò 'việc nhẹ lương cao' gia tăng dịp cuối năm

LÊ ANH 11/12/2023 14:00

Đến hẹn lại lên, càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tìm việc làm thời vụ của nhiều người dân càng tăng, nhất là sinh viên từ các tỉnh, thành lân cân về TPHCM học tập, tìm kiếm việc làm thời vụ, tranh thủ kiếm thêm tiền chuẩn bị về quê ăn Tết.

anhtren.jpg
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo khi có nhu cầu tìm việc nên liên hệ trực tiếp đến các công ty để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Hồng Phúc.

Thận trọng “việc nhẹ lương cao”

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo từ đầu năm học, thế nhưng N.M.H (21 tuổi, quê ở Bình Định), là sinh viên trường Đại học KHXHNV TPHCM vẫn trở thành nạn nhân của tìm việc qua mạng. Thông qua một website chia sẻ việc làm thời vụ cận Tết, H. liên hệ qua số hotline, được giới thiệu việc làm chăm sóc thú cưng cho gia chủ ở quận 7. Lý do được người này giải thích, chủ nhà đi nước ngoài một tháng, cần người giúp việc chăm sóc thú cưng trong thời gian này. Tất cả đều hợp lý, cho đến khi H. được người môi giới yêu cầu: “Vì để đảm bảo người được thuê thời vụ không trộm cắp tài sản, Hiếu phải chuyển khoản 2 triệu đồng cọc trước, sau đó tiền lương tháng và tiền cọc sẽ được trả vào ngày thứ 20 của hợp đồng”. Do đang túng thiếu, cộng thêm được mời chào hấp dẫn với mức lương 15 triệu đồng/tháng với “việc nhẹ, lương cao” nên H. đã đồng ý chuyển tiền. Đến ngày nhận việc, H. theo địa chỉ đến một căn biệt thự cửa đóng then cài tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7). Tuy nhiên, khi gọi liên tục vào số hotline để được nhận chìa khóa mở cửa thì số điện thoại này không liên lạc được.

Không chỉ “tiền mất tật mang” vì tin vào quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ xin vào làm việc tại các công ty “ma” còn sập bẫy lừa đảo, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Hồ Thị Mỹ Lợi (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đọc thông tin tuyển dụng trên mạng, sau đó ứng tuyển vị trí cộng tác viên thời vụ bán các mặt hàng như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Lợi được Trần Thị Diễm Chi (31 tuổi, ngụ quận Bình Tân) hẹn gặp mặt phỏng vấn tại quận Tân Phú (TPHCM). Tại đây, Lợi được cung cấp dữ liệu khách hàng như tên tuổi, số điện thoại… lấy được trên mạng từ các trung tâm thương mại, siêu thị… Nhiệm vụ của Lợi là sử dụng các dữ liệu khách hàng cho Diễm Chi cung cấp để liên hệ. Với công việc này, Lợi được Diễm Chi được hứa trả lương từ 4,5 triệu đồng/tháng và được cộng thêm cả tiền hoa hồng từ 10-12% trên số hàng hóa bán được. Thấy việc nhẹ, lương lại cao, Lợi khôngg ngần ngại tham gia ngay. Thế nhưng thực tế, Lợi đã dính phải một nhóm lừa đảo.

Ngày 22/11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Diễm Chi và Hồ Thị Mỹ Lợi để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra, với hình thức thông qua tuyển các cộng tác viên, sau đó Lợi được Chi hướng dẫn tự xưng là nhân viên của siêu thị Smart Shop để liên hệ tới các khách hàng tại một số trung tâm thương mại và siêu thị Smart Shop. Bằng hình thức này, Lợi tìm cách dụ dỗ khách hàng, nói họ may mắn được chọn tham gia chương trình tri ân khách hàng của công ty. Thậm chí nếu đáp ứng được các điều kiện còn thiếu sẽ được bốc thăm phần thưởng có giá trị cao, trong đó có 3 vé đi du lịch Hàn Quốc (giá trị 150 triệu đồng). Tuy nhiên, khai nhận với cơ quan công an, các đối tượng cho biết, thực chất các giải thưởng này không tồn tại. Riêng Hồ Thị Mỹ Lợi xuất phát ban đầu từ nhu cầu tìm việc làm cận Tết nhưng cũng đã dính phải lao lý, bị điều tra hành vi liên quan về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nhận diện dấu hiệu “lừa đảo”

Bà Trần Thái Hằng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, hiện nay bên cạnh những địa chỉ uy tín, vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh” giăng bẫy lừa đảo với hứa hẹn công việc vừa sức, thu nhập hấp dẫn, khiến sinh viên đã nghèo còn gặp cái eo.

Chiêu thức, thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu đã làm cho các sinh viên dù cảnh giác vẫn bị “sập bẫy”. Cũng theo bà Hằng, thủ đoạn “thủ công” của các đối tượng là phát tờ rơi tận phòng trọ, trước cổng trường đại học, ký túc xá sinh viên, dán trên cột điện mời chào “việc nhẹ lương cao” vẫn còn được áp dụng.

Trong số người đi “phát hành” có cả sinh viên được thuê làm tiếp thị. Các bạn này cũng không hề biết mình đang vô tình tiếp tay cho kẻ gian, gây thiệt hại cho những người cùng cảnh ngộ. Kẻ chủ mưu dĩ nhiên chỉ đứng sau điều hành, không xuất đầu lộ diện. “Chỉ khi báo chí vào cuộc phản ánh thì mới bóc trần bộ mặt thật của một số nhóm lừa đảo sử dụng vỏ bọc “Văn phòng giới thiệu việc làm” không hề có giấy phép. Địa điểm “hành nghề” thường gần các bến xe, khu dân cư có nhiều phòng cho thuê. Dẫn dụ “con mồi” đăng ký thông tin, nộp phí hồ sơ, mua đồng phục, đóng tiền thế chân… rồi “hô biến”.

Từng tham gia nhiều chuyên đề tuyên truyền tại các trường ĐH, CĐ, ông Nguyễn Thanh Bình, cựu cán bộ Công an TP Thủ Đức cho biết, các em học sinh, sinh viên cần phải đặc biệt cảnh giác với các thông tin tuyển dụng gây sốc “việc nhẹ, lương cao”. Hầu hết những màn kịch này thông qua lợi dụng mạng xã hội, phát tán tin nhắn quảng cáo tìm lao động thời vụ cuối năm. “Kịch bản luôn đánh đúng tâm lý sinh viên, bao gồm hình ảnh giới thiệu hấp dẫn, thời gian làm việc rất thuận lợi, dễ linh động sắp xếp. Thậm chí còn “vẽ” ra toàn màu hồng, một người vẫn có thể tham gia và nhận lương ở hai vị trí khác nhau” - ông Bình chia sẻ.

Làm việc trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Nhưng cũng vì thế các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp không bỏ qua cơ hội để trục lợi. Đây cũng là một hình thức lừa đảo tìm việc vừa được Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05, Công an TPHCM) cảnh báo. Trong đó, dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo này là các đối tượng tiến hành tạo lập các website có tên miền gần giống, các trang mạng xã hội giả mạo sử dụng logo, hình ảnh, mã số thuế, địa chỉ… của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để dẫn dụ nạn nhân “sập bẫy”.

Theo đại diện PA05, điều quan trọng là các bạn trẻ cần tỉnh táo, thẩm định kỹ nguồn tin từ những lời chào mời tuyển dụng khi tìm việc làm thêm. Đồng thời, khi có nhu cầu tìm việc nên liên hệ trực tiếp với các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn. Các công ty, doanh nghiệp bị mạo danh cần kịp thời công bố cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo cơ quan công an để đấu tranh, xử lý theo quy định.

LÊ ANH