Nguyên Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Lục Ngạn kêu oan: Cần làm rõ căn cứ cột tội?
Ông Trương Văn Tư, nguyên Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhiều lần kêu oan vì bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại phiên toà sơ thẩm, ông Tư cho rằng bản thân bị giả chữ ký để làm hồ sơ giả, không vụ lợi, là bị hại trong vụ án.
Giả mạo chữ ký, làm thông tin sai lệch 12 sổ đỏ
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, trong năm 2020 và 2021, bị cáo Giang Văn Việt (nguyên Giám đốc Công ty Đo đạc Giang Gia) đã làm giả thông tin 12 bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giả chữ ký của ông Trương Văn Tư, tự in thông tin sai lệch lên 6 Sổ đỏ, chiếm đoạt của 5 bị hại tổng cộng hơn 921 triệu đồng, 6 bộ Sổ đỏ khác Việt làm giả thông tin do được Nguyễn Mạnh Hùng (công chức Địa chính - Xây dựng xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) nhờ.
Hùng trực tiếp đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai lấy dấu đóng lên 2 Sổ đỏ do Việt làm giả nội dung chỉnh lý, chiếm đoạt của 6 bị hại tổng số hơn 930 triệu đồng.
Tại phiên toà, bị cáo Giang Văn Việt khai đã thực hiện hành vi “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà không được ai giúp sức hay tạo điều kiện.
Với hành vị trên, Việt bị truy tố về tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn Nguyễn Mạnh Hùng bị truy tố về các tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Ông Trương Văn Tư, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn cũng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong các ngày từ 4/12 đến 8/12, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Ở phần xét hỏi, bị cáo Trương Văn Tư - nguyên Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn kêu oan, không đồng tình với bản cáo trạng.
Tại phiên toà, ông Tư khẳng định bản thân đang bị truy tố oan. “Trong suốt quá trình giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn, bị cáo luôn được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của mình, tài liệu điều tra cũng đã thể hiện bị cáo không hề hay biết quá trình phạm tội của Việt và Hùng, thậm chí bị cáo đang là bị hại trong vụ án khi bị Việt giả chữ ký để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả rồi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của bị cáo” - ông Tư nói.
Cần làm rõ căn cứ cột tội?
Tại phiên toà, 13 luật sư đã tham gia bào chữa cho ông Tư đều khẳng định: Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Trương Văn Tư phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là chưa đúng theo quy định của pháp luật, có thể gây oan sai cho bị cáo Tư.
Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố ông Tư là không có căn cứ pháp lý, có thể dẫn đến làm oan người vô tội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tư.
“Cáo trạng xác định bị cáo Tư “không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình” là vô căn cứ, bởi trong bản luận tội trình bày tại phiên tòa, vị đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã không nêu ra được nội dung cụ thể về việc bị cáo Tư không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ nào trong số 7 nhiệm vụ, quyền hạn được giao” - Luật sư Hà nêu quan điểm.
Cáo trạng xác định bị cáo Tư “buông lỏng quản lý trong thời gian dài” là cáo buộc rất chung chung, không rõ ràng, trong bản luận tội trình bày tại phiên tòa, vị đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã không chỉ ra được bị cáo Trương Văn Tư “buông lỏng quản lý” trong lĩnh vực gì, công việc gì, nội dung gì cụ thể. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử lưu tâm xem xét thận trọng và khách quan vấn đề này.
Ngoài ra, cáo trạng xác định bị cáo Tư “không ban hành quy chế quản lý, trình tự sử dụng con dấu, Sổ địa chính” nhưng đại diện Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Giang tại phiên tòa cũng khẳng định, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn không có trách nhiệm “ban hành quy chế quản lý, trình tự sử dụng con dấu”.
Đối với việc “ban hành quy chế quản lý, trình tự sử dụng Sổ địa chính", bị cáo Trương Văn Tư với tư cách Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn cũng hoàn toàn không có trách nhiệm “ban hành quy chế quản lý, trình tự sử dụng Sổ địa chính” như cáo buộc tại bản cáo trạng.
Theo phần trình bày luận tội của Đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang tại phiên tòa, bị cáo Trương Văn Tư có trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của 2 bị cáo Việt và Hùng.
Về điều này, Luật sư Nguyễn Đức Năng - Công ty luật Năng & Partner đối đáp, kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định số tiền 1.853.400.000 đồng mà 11 bị hại đã bị chiếm đoạt đều xuất phát từ hành vi trái pháp luật do bị cáo Giang Văn Việt và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện.
Thiệt hại của bị hại có mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội của bị cáo Việt và bị cáo Hùng, 2 bị cáo này đã khắc phục đầy đủ số tiền trên. Tài liệu trong Hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Tư không tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bất kể bị hại nào trong vụ án.
Kết luận điều tra, khẳng định bị cáo Tư không có bất cứ hành vi nào chỉ đạo, chỉ huy, xúi giục, bàn bạc, giúp sức cho Giang Văn Việt và Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện hành vi phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Trương Văn Tư cũng không được phân chia, chiếm hưởng bất cứ lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần nào từ bị cáo Giang Văn Việt và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng ở cả trước và sau khi các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, luật sư cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang xác định sai tư cách tham gia tố tụng đối với ông Trương Văn Tư trong vụ án này.
Không đủ chứng cứ, không buộc tội
Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Trương Văn Tư cho rằng, trong vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm bằng việc phải tìm ra được các chứng cứ, nếu không đủ chứng cứ thì không thể buộc tội bằng cảm tính. Niềm tin nội tâm của thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên chỉ nên dùng để định hướng điều tra chứ không được dùng để kết tội bị cáo nếu thiếu chứng cứ.
Theo luật sư Lê Ngọc Hà việc tòa án tuyên vô tội cho bị cáo khi xét thấy chứng cứ buộc tội của cơ quan điều tra, viện kiểm sát không đầy đủ sẽ tránh được tình trạng gây oan sai, tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị kết án. Từ khi thực hiện nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp (năm 2002-PV) đến nay, tòa án đã ra nhiều bản án tuyên bị cáo trắng án nếu cơ quan tố tụng không tìm được chứng cứ buộc tội.
Quay trở lại vụ ông Trương Văn Tư liên tục kêu oan, theo các luật sư, ở khâu tố tụng cuối cùng (xét xử), để loại trừ oan sai thì nhất định Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc "suy đoán vô tội". Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp đã nhấn mạnh việc xây dựng một nền tố tụng nhân văn, hướng thiện, đề cao nội dung, ý nghĩa giáo dục của hình phạt, thay vì trừng trị.
Ngày 12/12 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mở lại phiên toà.