Sức khỏe

Việt Nam điều chế thành công phóng xạ chữa ung thư

An Thái 12/12/2023 07:32

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã pha chế thành công hai loại thuốc phóng xạ mới trong chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết.

duoi.jpg
Chuẩn bị thực hiện PET/CT cho bệnh nhân. Ảnh: BV Chợ Rẫy.

Theo đó, Khoa Y học hạt nhân của bệnh viện đã ghi hình PET/CT với hai loại thuốc phóng xạ mới. Đó là Galium-68 PSMA (Ga-68 PSMA) trong ung thư tuyến tiền liệt và Galium-68 Dotatate (Ga-68 Dotatate) trong u thần kinh nội tiết giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Từ việc pha chế thành công 2 loại thuốc Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate, khoa Y học hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh trong nước có thể tiếp cận phương pháp kỹ thuật mới trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như tiết kiệm nhiều chi phí cho người bệnh.

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng khoa Y học hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: Trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi cho người bệnh và đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Hiện không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Do đó, khi người bệnh trong nước có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này thông thường phải đi ra nước ngoài.

Theo BS Cảnh, trong chẩn đoán ban đầu đối với tiền liệt tuyến, có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ (MRI), siêu âm sau đó chọc kim sinh thiết vào chỗ nghi ngờ có khối u để chẩn đoán. Nếu muốn phát hiện các vị trí di căn khác, có thể chụp cộng hưởng từ, siêu âm, CT, xạ hình xương. Những kỹ thuật này không đặc hiệu cho ung thư tuyến tiền liệt, nhìn hình ảnh rất khó chẩn đoán. Sử dụng thuốc này sẽ bắt ngay vị trí di căn rõ nét hơn. Nhu cầu hiện nay rất nhiều nhưng chưa có thuốc, người bệnh phải ra nước ngoài nên chi phí rất tốn kém. Khi đã có thuốc trong nước thì người bệnh sẽ thuận lợi hơn, bởi chỉ tốn bằng 1/3 so với ra nước ngoài.

Trong 2 bệnh ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết, ung thư tuyến tiền liệt là bệnh hay gặp; còn bệnh u thần kinh nội tiết trước đây ít được chú ý nhưng hiện nay số ca bắt đầu tăng bởi được nhiều kỹ thuật chẩn đoán. Từ năm 2009, Việt Nam đã phát triển kỹ thuật PET/CT, kết hợp giữa hình ảnh chuyển hóa sinh học với hình ảnh cấu trúc trong cùng một quy trình, một lần chụp. Như vậy, trong lĩnh vực y học hạt nhân, người bệnh sẽ được chụp từ đầu đến chân với trường nhìn rộng bao phủ toàn thân. Qua hình ảnh chuyển hóa, có thể phát hiện, chẩn đoán, theo dõi điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là hơn 90% bệnh trong lĩnh vực ung thư.

BS Cảnh cũng chia sẻ thêm, nhóm nghiên cứu đã mất 6 tháng nghiên cứu, thực hành, đánh giá để pha chế 2 loại thuốc phóng xạ mới này. Chi phí nghiên cứu không quá cao. Thông thường từ khi chiết thuốc phóng xạ ra đến khi hoàn thành sản phẩm thuốc là khoảng 30 phút.

Với việc pha chế nói trên, sau gần 1 tháng áp dụng ghi hình PET/CT với Ga-68 PSMA cho 12 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và PET/CT với Ga-68 Dotatate cho 9 trường hợp u thần kinh nội tiết, kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Hiện, tại Bệnh viện Chợ Rẫy sản lượng thuốc mới pha chế ban đầu chỉ đủ dùng tại chỗ. Sau 6 tháng, khi pha chế nhiều hơn thì có thể phân phối cho một số bệnh viện có máy PET/CT ở TPHCM với thời gian di chuyển trong vòng 30 phút, vì đặc thù thời gian sử dụng thuốc này ngắn, bán rã nhanh, đòi hỏi sử dụng ngay sau khi làm ra. Quy trình là người bệnh sẵn sàng, thuốc làm xong đạt yêu cầu và được dược sĩ cho phép thì sử dụng liền cho bệnh nhân.

PET/CT là hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao, nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các loại bệnh như ung thư, thần kinh và tim mạch. Kỹ thuật này được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2009, trung bình mỗi ngày bệnh viện chụp 12-15 ca.

An Thái