Chuẩn bị chọn sách giáo khoa lớp 5
41 sách giáo khoa (SGK) của các môn học, hoạt động giáo dục dành cho học sinh lớp 5 sẽ được sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học tới. Đây là các SGK mới được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện tại, học sinh lớp 5 trên cả nước học SGK thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Cả nước có 3 khối lớp đang thực hiện năm cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), căn cứ danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, các nhà trường tổ chức lựa chọn SGK để đưa vào giảng dạy từ năm học tới. Quyền chọn SGK dự kiến được trao lại cho các nhà trường từ năm học 2024-2025 thay vì do hội đồng của UBND cấp tỉnh quyết định như 3 năm học vừa qua. 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 1, Bộ GDĐT giao các nhà trường thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Việc “trả lại” quyền lựa chọn sách cho nhà trường được kỳ vọng sẽ hạn chế những bất cập từng xảy ra ở một số địa phương khi có hiện tượng danh mục sách được tỉnh duyệt không có sách trường đề xuất...
Trên thực tế, mỗi trường hiện nay có điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh khác nhau. Nhiều ý kiến đồng thuận nếu được trao quyền tự chủ, nhà trường sẽ có trách nhiệm chọn SGK nghiêm túc, phù hợp với học sinh, vì chính nhà trường sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy với học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Trên cơ sở SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt bảo đảm chất lượng và mục tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng, các nhà trường lấy ý kiến đề xuất của giáo viên, chọn SGK ở từng môn học phù hợp với học sinh của mình.
Việc góp ý cho dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên còn kéo dài đến hết 20/12. Nếu nhận được sự đồng thuận, dự thảo thông tư về lựa chọn SGK sẽ được áp dụng từ năm học 2024-2025, tức là áp dụng đối với SGK của 3 khối lớp cuối cùng bắt đầu theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là lớp 5, 9 và 12.
Đối với những cuốn sách được chọn, có ý kiến băn khoăn nếu học sinh cảm thấy không phù hợp, muốn học sách khác có được hay không. Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, hiện không có quy định nào bắt buộc học sinh phải có SGK mới được đi học hoặc được vào lớp học. Vấn đề đặt ra là năng lực của giáo viên có thể đáp ứng việc dạy một lớp mà học sinh sử dụng nhiều SGK khác nhau không.
Một giáo viên bày tỏ thực tế học sinh hay giáo viên đều có thể tham khảo các SGK, sách tham khảo khác nhau trong quá trình dạy, học. SGK ngày nay không còn nhất thiết phải là quyển A, quyển B mà tất cả đều là học liệu sử dụng để dạy học, chương trình mới là thống nhất nên dù dạy, học SGK nào thì đề kiểm tra, đánh giá cũng dựa trên chuẩn kiến thức của chương trình. Ngay môn Ngữ văn cũng tiếp cận các văn bản ngoài SGK nên không lo việc học một ngữ liệu, thi một ngữ liệu khác gây bất công vì đó là đương nhiên.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên phải có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở chưa đáp ứng được điều kiện này.
Năm học 2023-2024, có 9 khối lớp đang học theo chương trình, SGK mới gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Chỉ còn 3 khối lớp đang học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006 gồm: 5, 9 và 12. Theo lộ trình, 3 khối lớp này sẽ thực hiện chương trình mới từ năm học 2024-2025.