Tăng cường sức mạnh cho hệ thống MTTQ Việt Nam từ cơ sở
Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại “Hội nghị tổng kết công tác Cụm thi đua Ủy ban MTTQ Việt Nam 5 thành phố trực thuộc Trung ương” được tổ chức ngày 11/12, tại Hải Phòng.
Cần thêm chính sách cho Thanh tra nhân dân
Tại hội nghị, đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, đã phát biểu, tham luận làm rõ, nêu bật những kết quả công tác Mặt trận ở địa phương trong năm 2023. Đồng thời, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hoạt động, kiến nghị biện pháp tháo gỡ.
Để triển khai tốt công tác tuyên truyền, vai trò của đội ngũ Cộng tác viên Dư luận xã rất quan trọng. Việc nắm bắt dư luận xã hội từ cơ sở góp phần quan trọng giúp các cấp uỷ đảng và chính quyền sớm đưa ra được các chủ trương, quyết sách sát thực, phù hợp lòng dân, nhất là trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc phức tạp.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu xây dựng đội ngũ Cộng tác viên Dư luận xã hội trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Đồng thời cần có cơ chế chính sách cho đội ngũ cộng tác viên này nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Ông Trường cho rằng, đề xuất trên căn cứ vào Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW ngày 26/12/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, hiện nay, mới kiện toàn hệ thống Cộng tác viên Dư luận xã hội”.
Để hoạt động của MTTQ các cấp có hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ đưa ý kiến đề xuất Ban Bí thư có định khung biên chế cho Mặt trận các cấp, các ban chuyên môn... Việc giao thẩm quyền cho địa phương như hiện tại sẽ dẫn đến hệ quả mỗi nơi làm một kiểu, không đồng nhất.
Tại Đà Nẵng, do thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên 6 quận không có HĐND, chỉ có huyện Hòa Vang là có HĐND huyện. Do đó, nhiệm vụ giám sát, đôn đốc theo dõi cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương thực hiện những vấn đề liên quan đến quyền lợi người dân càng “nặng” và gây áp lực lớn lên cho bộ máy của Mặt trận cùng cấp.
Liên quan đến công tác tổ chức, chế độ chính sách cho cán bộ trong hệ thống Mặt trận, bà Phạm Thị Mẫn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến hoặc kiến nghị với Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương về bổ sung thêm cho 1 Phó Chủ tịch MTTQ đối với cấp quận, huyện.
Ngoài ra, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ 1/7/2023, vị trí việc làm của Trưởng ban Thanh tra nhân dân cấp phường, xã, thị trấn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. “Do đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam cần sớm có ý kiến với Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết để đảm bảo chế độ, vị trí làm việc chuyên trách cho Trưởng ban Thanh tra nhân dân cấp xã được đảm bảo”, bà Mẫn nêu quan điểm.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Thực tế hiện nay, hầu hết các đơn vị đang bố trí Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã tham gia Ban Thanh tra nhân dân và giữ chức Trưởng ban Thanh tra nhân dân để thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban theo quy định.
Ngoài ra, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, trong thực tế nhiệm kỳ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trong cùng địa phương không thống nhất về thời gian. Do đó, ông Trường đề xuất Trung ương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ có quy định phụ cấp cho Trưởng ban Thanh tra nhân dân như người hoạt động không chuyên trách ở địa phương.
Cần tập huấn chuyên đề về tổ chức Đại hội
Tại hội nghị, công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024 - 2029 được đánh giá là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức mới.
Để đảm bảo cho Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029 được diễn ra thành công và đúng theo hướng dẫn, bà Phạm Thị Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đề xuất UBTƯ MTTQ Việt Nam sớm tổ chức lớp tập huấn chuyên đề cho các tỉnh thành. Từ đó, các tỉnh, thành được trao đổi, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của từng địa phương xuất phát từ thực tiễn.
Đối với việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Đà Nẵng đều có đề xuất Trung ương hướng dẫn chuyển nguồn Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 về Quỹ Cứu trợ cấp tỉnh, thành phố do hiện nay Covid-19 đã chuyển sang thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, không nghiêm trọng như trước.
Bà Phạm Thị Mẫn khẳng định: Hiện nay, số kinh phí Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố vẫn còn nhưng cấp trên chưa có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Đã có rất nhiều tỉnh, thành phố kiến nghị và Đà Nẵng cùng chung quan điểm cho nhập nguồn quỹ trên vào Quỹ cứu trợ của tỉnh, thành phố để tạo nguồn phân phối và sử dụng để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo.
Ngoài ra, tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp để tăng cường sức mạnh cho hệ thống MTTQ Việt Nam từ cơ sở.