Vì sao tàu bay chậm chuyến?
Dự kiến, tổng lượng khách đi máy bay dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ đạt 10 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng bay tăng chuyến, bố trí bay đêm.
Đáng chú ý, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng bay xây dựng kế hoạch, biện pháp kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất việc chậm, hủy chuyến bay; không để hành khách đi tàu bay về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện vận chuyển.
Lâu nay, việc các chuyến bay chậm (delay) đã dần trở thành... bình thường ở tất cả các hãng bay nội địa. Để bảo đảm quyền lợi cho hành khách, Bộ Giao thông vận tải đã phải ban hành quy định đối với chuyến bay bị chậm, hủy (Thông tư 19/2023). Trong đó nêu rõ trách nhiệm của các hãng bay, đối với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên; 4 giờ trở lên; 5 giờ trở lên và đối với chuyến bay chậm kéo dài cùng với chuyến bay bị hủy.
Không chỉ các hãng bay phải chịu trách nhiệm mà hành khách có quyền yêu cầu đền bù thiệt hại cho mình.
Tuy nhiên, tình trạng trễ chuyến bay đã và đang trở thành một vấn đề phức tạp trong ngành hàng không với các đường bay nội địa, khiến hành khách bị ảnh hưởng, gây ra nhiều phiền toái và tranh cãi.
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Hàng không, lũy kế 9 tháng của năm 2023, các hãng thực hiện 221.197 chuyến bay. Trong đó, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng trên 100.000 chuyến, chiếm khoảng 45% thị phần khai thác; VietJet Air 83.933 chuyến (38%); Bamboo Airways 32.538 chuyến, tương ứng khoảng 15% tổng số chuyến bay.
Cũng theo số liệu từ Cục Hàng không, các hãng hàng không nội địa ghi nhận 15% chuyến bay chậm giờ, tương ứng 33.227 chuyến bay; 715 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,3%. VietJet Air dẫn đầu về chuyến bay bị chậm với 16.520 chuyến bay, chiếm tỷ lệ gần 20% trong tổng số chuyến bay hãng thực hiện, tức cứ 5 chuyến bay thì hãng chậm 1 chuyến.
Nguyên nhân nào dẫn đến các chuyến bay "delay"? 2 nguyên nhân chính được Cục Hàng không Việt Nam cho là do tàu bay về muộn và do những vấn đề của hãng hàng không.
Tàu bay về muộn cũng có nhiều lý do, nhưng theo giới chuyên gia hàng không, ngoại trừ do thời tiết xấu thì chủ yếu là do các hãng đều cố gắng tối đa hóa lợi nhuận trong từng chuyến bay. Khi vắng khách, máy bay có thể... chờ để bán được thêm vé cho khách “vét”. Nhất là tình trạng dồn khách để bớt chuyến bay. Từ đó mới có chuyện người thì bị đẩy lên bay sớm, người thì lại bị đẩy giờ xuống.
Nhìn chung, hãng bay vì quyền lợi của mình nên đã “quên” quyền lợi của khách. Vậy nghĩa vụ của hãng hàng không đối với hành khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến thế nào?
Theo quy định tại Thông tư 19/2023 của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023 thì với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, hãng phải chuyển đổi miễn phí hành trình phù hợp hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình. Đối với chuyến bay chậm 4 giờ trở lên, hãng phải bồi thường ứng trước không hoàn lại bằng tiền hoặc hình thức phù hợp khác cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay. Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, trường hợp hành khách không có nhu cầu đi nữa thì có quyền yêu cầu hãng hoàn trả tiền vé.
Đối với chuyến bay khởi hành sớm hơn 15 phút do lỗi của hãng hàng không, hành khách đã được xác nhận chỗ nhưng không được vận chuyển và không nhận được thông báo về việc thay đổi thời gian hay không đồng ý với việc thay đổi này, hãng có trách nhiệm như trường hợp chuyến bay bị hủy.
Đó là quyền lợi của hành khách, nhưng sau đó cơ quan hữu quan có phạt những hãng bay đó không, thì không rõ.
Ở đời “được vạ thì má cũng sưng”, chậm chuyến bay hành khách chỉ biết than thở, có mấy ai đi kiện đòi bồi thường. Quan trọng với hành khách là chuyến bay an toàn và đúng lịch. Đi tàu bay là để cho nhanh, không ai muốn bỏ tiền ra mua vé bay để rồi “dài cổ” chờ đợi, thấp thỏm không yên.
Để các hãng bay “không dám” chậm chuyến, hủy chuyến, rất cần chế tài nghiêm khắc từ Cục Hàng không Việt Nam. Và có thể phải là từ Bộ Giao thông vận tải.