Tuyển sinh 2025 bớt lệ thuộc điểm tốt nghiệp THPT
Ngày 12/12, Trường Đại học (ĐH) Nha Trang thông báo, không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực để tuyển sinh từ năm 2025.
Đây là đơn vị đầu tiên công bố phương án tuyển sinh năm 2025 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố về việc sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, cũng là cơ sở đầu tiên bỏ xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh.
Cụ thể, trường sẽ xét kết quả học tập ở THPT (học bạ): Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm; Về điểm đánh giá năng lực (ĐGNL): Với mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải tham gia ĐGNL học ĐH. Với điểm thi ĐGNL, nhà trường tập trung vào khả năng toán (toán, suy luận logic và xử lý số liệu); ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
Đại diện Phòng Đào tạo (Trường ĐH Nha Trang) cho biết, thí sinh có thể lựa chọn và tham gia kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc một số kỳ thi ĐGNL khác để lấy điểm dự tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp này sẽ thay thế hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT như hiện nay. Công thức tính điểm, tỷ trọng điểm các môn thành phần, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được trường công bố cụ thể vào năm 2025. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn giữ phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) nhận định, vài năm gần đây, việc tuyển sinh của các trường ĐH dần thoát khỏi sự lệ thuộc kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện có 20 phương thức xét tuyển. Các trường ĐH sẽ có một số cách khác để xét tuyển, ví dụ như các kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét học bạ THPT kết hợp với bài thi ĐGNL... Kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể được dùng để xét tuyển vào ĐH các khối ngành.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM phân tích: Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá cách dạy và học THPT chứ không phải chỉ để xét tốt nghiệp. Do đó, những kỳ thi ĐGNL của các trường ĐH sẽ càng trở nên quan trọng vì đánh giá được năng lực thật sự của thí sinh. Theo đó, với sự thay đổi về cách thi, số môn thi tốt nghiệp từ năm 2025, các trường ĐH - CĐ sẽ dựa trên kết quả của các kỳ thi ĐGNL để làm cơ sở xét tuyển cho năm 2025. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các đơn vị tổ chức kỳ thi ĐGNL rà soát ngân hàng câu hỏi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo số lượng câu hỏi đủ cho các kỳ thi.
Để đảm bảo cho công tác tuyển sinh từ năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) yêu cầu các trường xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh. Trước mắt về đề án tuyển sinh năm 2024, các cơ sở giáo dục lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ở mùa tuyển sinh 2023, thống kê cho thấy có khoảng 11 kỳ thi tuyển sinh riêng xét tuyển ĐH. Con số này dự kiến còn tăng trong những năm tới, khi khối ngành sức khỏe cũng đã bàn luận về việc tổ chức một kỳ thi riêng để làm căn cứ xét tuyển. Các trường ĐH cần sớm công bố các tổ hợp môn xét tuyển sinh cho các ngành đào tạo mùa tuyển sinh năm 2025. Qua đó, học sinh nắm bắt được phương án tuyển sinh để định hướng ôn luyện cho phù hợp.
Cuối tháng 11/2023, Bộ GDĐT “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với 4 môn thi tốt nghiệp THPT thay vì 6 môn như hiện nay, tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH từ năm 2025 sẽ giảm 1/3.