anh-chup-man-hinh-2023-12-08-luc-13.17.53.png
Điện thoại đời cũ chỉ nghe gọi, nhắn tin sẽ “hết thời” sử dụng sau khi tắt sóng 2G.
Tinh hoa Việt

Lộ trình nào cho tắt sóng 2G

NGỌC ANH 13/12/2023 08:52

Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030. Thời điểm được đưa ra trong lộ trình tắt sóng 2G là khoảng tháng 9/2024. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu tắt sóng 2G?

Mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024

Tắt sóng 2G sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Khi 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, một loạt chính sách đã được đưa ra.

Theo đó, từ ngày 1/7/2021 “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G. Giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G sẽ hết hạn vào tháng 9/2024. Bộ TTTT sẽ quy hoạch lại, và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không phục vụ cho máy 2G Only.

Hiện chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối khoảng 3 năm. Kể từ năm 2020, Bộ TTTT đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G, các máy nhập vào thị trường Việt Nam hiện nay là theo đường tiểu ngạch. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.

Đảm bảo quyền lợi khi tắt sóng 2G

Để bảo vệ quyền lợi người dân khi thực hiện tắt sóng trạm 2G, Bộ TTTT đã chỉ đạo các Sở TTTT triển khai cuộc kiểm tra trên địa bàn cả nước nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất trái quy định của pháp luật. Đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only lưu thông trên thị trường.

Để chuẩn bị cho lộ trình các nhà mạng viễn thông di động hiện đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào 2 hỗ trợ chính là hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Hiện một số nhà mạng lớn đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu dịch vụ này thấp. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đã chuẩn bị các dòng điện thoại “cục gạch” 4G giá rẻ chỉ khoảng gần 300.000 đồng chỉ để dùng dịch vụ gọi và nhắn tin nhằm phục vụ cho một bộ phận khách hàng nhỏ chỉ có nhu cầu này.

Không chỉ có các nhà mạng mà một số địa phương cũng xin được đề xuất tắt sóng 2G. Sau thời gian thí điểm tắt sóng 2G tại một số địa bàn, Lạng Sơn dự kiến sớm tắt sóng 2G toàn bộ thành phố, thị trấn, góp phần đẩy nhanh việc phổ cập smartphone.

Theo bà Vũ Thu Hiền - Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số vô tuyến điện), tháng 9/2024 không còn thuê bao 2G Only, nhưng với các thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu, chưa tích hợp tính năng VoLTE, tức là tính năng trao đổi qua nền tảng 4G, buộc phải dùng thoại qua nền tảng 2G, 3G thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.

Được biết hiện một số doanh nghiệp đang thực hiện chương trình phổ cập máy smartphone giá rẻ, máy feature phone 4G trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, khó khăn nhất của khách hàng là tiếp cận với máy 4G smartphone giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp các dòng máy, với mức giá khoảng 60 USD, 70 USD, 100 USD cho thị trường.

Đồng bộ hạ tầng số

Tắt sóng 2G để đưa người dân lên môi trường số, nhưng muốn đưa người dân lên môi trường số phải thúc đẩy phát triển hạ tầng số. Về việc này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết: Đã có nhiều giải pháp về chính sách thực thi để tắt sóng 2G. Chủ trương tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công trên môi trường hiện đại, với tốc độ cao. Chủ trương dừng 2G, tiến tới là dừng 3G sẽ là nội dung trong kế hoạch từ năm 2023 - 2026.

Trong chương trình viễn thông công ích, Bộ cũng đã tham mưu chính phủ phê duyệt khoản hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa, hỗ nghèo để chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh. Một số tỉnh cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng, thông qua chương trình hỗ trợ, triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng. Đây là lợi ích của việc dùng điện thoại thông minh.

Ví dụ, những khách hàng đang dùng 2G chuyển lên 4G, được trải nghiệm dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định, không phải trả phí nhằm gia tăng trải nghiệm, tạo ra thói quen cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ 4G.

Giúp người nghèo tiếp cận smartphone

Ông Nguyễn Phong Nhã cũng cho rằng, khi xây dựng chính sách, đối tượng người dân không chỉ có người yếu thế ở vùng sâu vùng xa cần phải hỗ trợ. Thực tế điện thoại 2G dành cho những người có lượng tiếp cận thông tin chính sách, công nghệ ít hơn so với những người sống ở khu vực thành thị.

Ông Nhã cho biết Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ các đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian tới Quỹ sẽ triển khai kế hoạch này.

Các nhà mạng đã thống kê người sử dụng 2G đến từng quận, huyện. Cục sẽ cùng nhà mạng xây dựng kế hoạch cụ thể, ngoài việc hỗ trợ người sử dụng điện thoại smartphone giá rẻ, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh thành phố huy động nguồn xã hội hóa.

Một số vùng không thuộc diện Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ cũng sẽ được các địa phương lưu tâm, đảm bảo việc chuyển đổi đồng bộ.

Ngoài ra, còn cần đào tạo, huấn luyện cho người sử dụng làm quen với các công nghệ mới, đảm bảo an toàn, tránh vào các ứng dụng giả mạo, huấn luyện cách nhận biết các ứng dụng không an toàn. Đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn người sử dụng chi tiết, đồng hành cùng việc chuyển đổi dịch vụ là đa dạng hóa hình thức đào tạo, truyền thông cho họ những thông tin cần thiết khi chuyển đổi điện thoại của mình.

Xu hướng không thể khác?

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi, tắt sóng 2G không phải vấn đề mới. Ở các nước đã thực hiện chuyển đổi từ nhiều năm, ví dụ sớm nhất là Nhật Bản tắt từ những năm 2010, nhưng họ dùng chuẩn khác với mạng 2G hiện nay.

Với Việt Nam cần tắt càng sớm càng tốt bởi đã hết khấu hao rồi, giữ 2G rất tốn điện. Khi đánh giá doanh nghiệp về quản trị bền vững, việc duy trì 2G tốn điện, nhiều carbon thải ra sẽ là điểm trừ cho doanh nghiệp.

Ở nước ngoài, có nhiều lý do duy trì 2G vì có nhiều siêu thị nhà hàng dùng 2G để đo đếm nước, điện tự động từ xa... đây là lý do níu kéo các nước châu Âu duy trì công nghệ này.

Việc tắt sóng 2G còn tạo ra lợi ích là dành băng tần cho các công nghệ mới. Nước ngoài coi băng tần là nguồn tài nguyên rất quý giá.

2G là công nghệ được hình thành, cung cấp dịch vụ từ đầu những năm 1990, sau đó đã có 4 thế hệ di động kế tiếp, thì việc tắt sóng không có gì mới. Đồng thời hướng tới rất nhiều mục tiêu. Thứ nhất, xã hội sẽ bỏ không sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng dịch vụ chất lượng cao, tốc độ cao. Từ đó, giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện, chi phí cao nhất, cho nên loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới công nghệ xanh.

Với nhà nước, lợi ích là chúng ta giải phóng băng tần cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới có hiệu quả sử dụng cao hơn.

NGỌC ANH